Trang thông tin họ Đồng Bá, Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương

https://hodongba.vn


Tổ Pháp Loa - Đồng Kiên Cương (1284 – 1330)

Tổ Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7 tháng 5 Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ VI (1284), quê làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cha Tổ Kiên Cương là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cửu.
Tổ Pháp Loa - Đồng Kiên Cương (1284 – 1330)
Nhiều sử sách đều ghi chép: Mẹ Đồng Kiên Cương nằm mơ thấy một vị thần trao cho thanh bảo kiếm, bà mẹ vui vẻ nhận lấy, sau bà mang thai. Thân mẫu Kiên Cương đã tám lần sinh con gái, nên lần mang thai Tổ, mẹ Kiên Cưong lo lắng lại sinh gái nên đã dùng thuốc hư thai, nhưng không công hiệu. Khi sinh Tổ, có hương thơm bay khắp nhà, mọi người đều cho là điềm lạ. Cha mẹ Tổ mừng lắm, đặt tên là Kiên Cương. Tổ bẩm tính thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười, tuy mới tròn 20 tuổi nhưng sức hiểu biết đã đạt tới đỉnh cao, Kiên Cương không chỉ tinh thông Phật học mà cả Nho giáo, Lão giáo cũng rất am tường. Từ nhỏ đến lớn Tổ không hề nói lời xấu ác, biết trọng đức hiếu sinh, không thích ăn thịt cá. Gia đình Kiên Cương vốn nhiều đời theo đạo Phật, năm 21 tuổi khi Tổ ngỏ ý xin đi tu, liền được cha mẹ và Gia tộc chấp thuận ngay.
Vào Trần triều, với những trận thuỷ chiến Bạch Đằng oanh liệt, quân và dân Đại Việt đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên, trong vòng 30 năm, nhà Trần thắng liên tiếp 3 cuộc xâm lược quy mô lớn của kẻ thù hung bạo nhất thời đại, với 175 năm cầm quyền và tồn tại, nhà Trần không chỉ đối phó với nguy cơ xâm lược đến từ phương Bắc mà còn phải lo phòng bị đối phó với các cuộc xâm lấn từ hai quốc gia phía nam và phía tây đất nước, Triều Trần đã xử lý khôn khéo các mối quan hệ với Chăm pa và Ai Lao, có lúc thì phối hợp giúp đỡ lẫn nhau, lúc quan hệ mềm dẻo để ràng buộc nhằm giữ yên biên giới và mở mang bờ cõi. Vị vua Trần Nhân Tông tại thế đã lưu danh sử sách với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hai hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than, để lãnh đạo quân dân cả nước đánh thắng quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1287). Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng đến khuyến khích nông trang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thuỷ lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễn dịch cho các vùng khác. Sau đó Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, Tổ xuất gia và thành lập phái Trúc Lâm- Yên Tử với mục đích quy tụ ý trí, sức mạnh của toàn dân tộc hướng về một thế giới tâm linh Phật giáo thuần thiện, thuần mỹ, từ đó hòa thành tinh thần đoàn kết của cả dân tộc Đại Việt. Dòng tu thiền do Trần Nhân Tông sáng lập mang tính bao dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các nền văn hóa để hình thành nên một tư tưởng mới của dân tộc Đại Việt. Hạt nhân cơ bản của dòng thiền này là “Cư trần lạc đạo” với chữ Tâm với nghĩa "Tâm cứu độ chúng sinh, Tâm giải phóng dân tộc, Tâm hòa nhập cộng đồng…
Niên hiệu Hưng Long XII (1304), Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và đoàn sứ giả du hành tới các nơi thôn dã để hoằng dương Phật pháp, bố thí và khuyên dân phá bỏ những nơi thờ thần không chân chính, khuyến khích nhân dân hướng tâm vào các việc phúc thiện, có ích lợi cho gia đình và cộng đồng… Khi Phật hoàng đến huyện Nam Sách, Tổ Kiên Cương tìm đến yết kiến Giác Hoàng xin được đi theo xuất gia. Giác Hoàng nhìn thấy tư chất thông tuệ và sự dĩnh ngộ khác thường của Kiên Cương liền hoan hỷ chấp nhận ngay, Phật hoàng ban tên mới cho Kiên Cương là Thiện Lai, và nói rằng: "Kẻ này có tuệ nhãn, ắt sau này làm long thịnh cho Phật pháp!", rồi cho người họ Đồng theo Tổ về chùa Long Động, để làm lễ thế phát, thụ giới Sa - di. Sau một thời gian, thấy Kiên Cương chăm học hỏi, Giác Hoàng Trần Nhân Tông lại đưa Tổ Kiên Cương tới tham học với Hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán. Ở đây, Tổ Đồng Kiên Cương chuyên nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, khi đọc phần chính tông, đoạn nói về A Nan bảy lần hỏi về cái "tâm" đến đoạn nói về "khách trần" thì Tổ bừng tỉnh, nhận ra là Phật giáo thiền, "tính thấy vốn không sinh, diệt…", từ đây Tổ đã giác ngộ Phật pháp.

Một hôm, Tổ Kiên Cương về tham yết Giác Hoàng và trình kiến giải của mình bằng một bài tụng về "tam yếu" bị Giác Hoàng gạch đi cả. Đã mấy lần Tổ Kiên Cưong thỉnh cầu Giác Hoàng đều làm thinh và bảo: "Hãy tự mình tham khảo lấy"...  Đêm ấy, với sự quyết tâm lớn, Tổ Kiên Cương về phòng nhập thiền, tâm trí. Tự nhiên Tổ cảm thấy tâm trạng dao động mạnh, với bao ý nghĩ vụt hiện, vụt tắt; quá nửa đêm, khi hoa đèn lụi…, Tổ chợt được đại giác ngộ Phật học. Sáng hôm sau, Tổ lên trình Phật Hoàng chỗ sở ngộ và được Giác Hoàng ấn chứng. Từ đó, Tổ Kiên Cương được Giác hoàng cho nguyện tu theo mười hạnh đầu đà và phát lời nguyện lớn: "Chư Phật và Bồ Tát, có những hạnh nguyện nào, tôi xin học và thực hành theo; dù chúng sinh khen hay chê, dù khinh hay trọng, dù bố thí hay cướp đoạt, khi mắt thấy, tai nghe cũng đều hỷ xả, khiến cho tất cả cùng bước lên nấc thang giác ngộ" (Nguyên văn chữ Hán: Chư Phật, Bồ Tát, sở hữu hành nguyện, ngã kim phụng trì; nhược nhất thiết chúng sinh, hoặc hỷ tán, hoặc khinh mạn, hoặc thí dự, hoặc xâm đoạt, xúc mục văn danh, tất giai xả chi, linh đăng giác địa) - Trích trong Phát Nguyện Văn.
        Niên hiệu Hưng Long XIII (1305), Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập đại giới đàn cho Tổ thụ Tỳ khưu và Bồ tát, và đặt pháp danh Pháp Loa cho Đồng Kiên Cương. Qua những lần khảo chứng, nhận thấy Tổ đã thực sự giác ngộ đạo Phật, lại đêm ngày chăm chỉ đèn sách, đã tinh thông mọi kinh điển Phật học, Giác Hoàng Trần Nhân Tông hài lòng lắm, liền cử Tổ làm chủ trì giảng pháp tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh). Năm 1307, Tổ Pháp Loa cùng với năm vị pháp hữu tới am Ngọa Vân cầu thỉnh Giác Hoàng dạy bộ Đại Tuệ Ngữ Lục. Tháng 5 năm đó, trên am Ngọa Vân, khi làm lễ Bồ tát xong, Tổ Pháp Loa- Kiên Cương chính thức được Giác Hoàng trao y bát và tâm kệ.
     Niên hiệu Hưng Long XVI (1308), đúng ngày mồng một tết năm Mậu Thân, Tổ Pháp Loa chính thức được Giác Hoàng cử giữ chức trụ trì chùa Báo Ân, và được suy tôn là Đệ Nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Việc này xảy ra trong sự chứng giám của đầy đủ thành phần kể cả vua Anh Tông đương nhiệm. Như vậy, ta thấy sự tin tưởng và đánh giá rất cao năng lực của Pháp Loa nên Nhân Tông mới tổ chức lễ truyền pháp long trọng tạo sức mạnh to lớn đầy hiệu lực cho Pháp Loa- Kiên Cương và khẳng định vai trò lãnh đạo của Pháp Loa như sách Tam Tổ Thực Lục chép: "Năm Mậu thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16, vào ngày mồng một tháng giêng, Pháp Loa phụng mệnh làm người nối pháp trù trì chùa Siêu Loại ở giảng đường Cam Lộ. Bắt đầu buổi lễ, mọi người làm lễ ở tổ đường; đại nhạc được tấu lên, các loại danh hương được xông đốt... Ðiều Ngự đưa Pháp Loa vào lạy ở tổ đường xong, cùng xuống thực đường để ăn cháo sáng. Sau buổi triêu thực. Nhạc tấu lên, trống lớn nổi dậy, đại chúng chư tăng được triệu tập cùng lên pháp đường; lúc đó vua Anh Tông đã ngự giá tới chùa; ngôi chủ khách đã phân xong, mọi người cùng ngồi. Anh Tông lúc đó đóng vai một vị đàn việt lớn của Phật Pháp, ngồi vào ghế khách của pháp đường, quốc phụ thượng tể  [5] cùng với các quan cùng đứng dưới sân. Ðiều ngự thăng đường thuyết pháp. Thuyết pháp xong điều ngự rời pháp tòa, dắt Pháp Loa cho ngồi trên pháp tòa ấy, rồi đứng đối diện Pháp Loa làm lễ thăm hỏi. Sau đó Pháp Loa đáp bái lại. Ðiều ngự trao pháp y cho Pháp Loa khoác vào. Bấy giờ Ðiều Ngự ngồi xuống ghế khúc lục một bên để nghe Pháp Loa thuyết pháp. Xong rồi, Ðiều ngự đem Sơn Môn (Giáo Hội) Yên Tử và chùa Siêu Loại ủy cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm tổ thứ hai phái Trúc Lâm".
Trúc Lâm đã sắp đặt cho cả triều đình có mặt tại buổi lễ truyền đăng có vua Anh Tông chứng kiến sự kiện truyền y pháp giữa thầy trò Trúc Lâm và Pháp Loa, để sau này không ai có thể phủ nhận giá trị lãnh đạo của Pháp Loa nữa. Tất cả những điều này cho ta thấy chủ ý của Trúc Lâm muốn đặt cơ sở vững chãi cho một nền Phật Giáo thống nhất và nhập thế tại Việt Nam. Điều này giúp Pháp Loa sau này thi hành được dễ dàng nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội của mình, vua Trần Anh Tông luôn cung kính vâng theo Pháp Loa luôn xưng là đệ tử, hết lòng ủng hộ việc hành đạo của Pháp Loa. Sau khi Tổ chính thức được cử làm lễ Đệ nhị tổ lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, số người xin xuất gia và quy y học đạo có hàng vạn (riêng về tăng, ni xin làm đệ tử là 15.000 người, Tổ phải nhờ hai vị sư huynh là Tông Cảnh và Bảo Phác về chùa Báo Ân dạy luật Tứ Phần cho các học tăng. Tổ Tông Cảnh trụ trì chùa Tiên Du (Bắc Ninh) và Tổ Bảo Phác trụ trì chùa Vũ Ninh. Cả hai vị lúc ấy đã được triều đình tôn là quốc sư. Còn Tổ Pháp Loa nhận trách nhiệm giảng các bộ kinh lớn như: Kim Cương, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Pháp Hoa và Niết Bàn, các bộ ngữ lục như: Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục… ngoài ra, Tổ Kiên Cương- Pháp Loa còn tới thuyết pháp cho tín đồ tại các chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều), Dưỡng Phúc, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng Viện và Kiến Xương phủ (Thái Bình). Trong số các đệ tử kể trên, đắc pháp khoảng 3.000 người; số tự viện cũng được xây dựng rất nhiều, gồm 800 sở, dựng hai đài giảng kinh, xây 5 cây bảo tháp, đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Theo VN Phật giáo sử luận trang 382, vị vua Trần Anh Tông rất mến chuộng Tổ: "Nhân ngày lên làm Thái thượng hoàng, đã cho đúc tượng đồng ba vị Phật A Di Đà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta".
        Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (HT Thích Nhất Hạnh) còn ghi chép số bất động sản do triều đình và tín đồ cúng cho Tổ Pháp Loa để xây dựng Đại Tùng Lâm (ở hai chùa Quỳnh Lâm(Đông Triều) và Báo Ân (Hà Nội)) số ruộng có hàng 1000 mẫu: Năm 1308, vua Trần Anh Tông đã lấy 100 mẫu ruộng của riêng gia đình nhà Trần để cúng vào chùa Bảo Ân. Năm 1312, Trần Anh Tông cúng năm vạn quan tiền để Pháp Loa bố thí cho người nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Pháp Loa từ chối không nhận. Vua lại sai lấy 500 mẫu ruộng từ Miện Như Trang cúng vào chùa làm bất động sản. Năm 1313, vua Trần Anh Tông lại theo lời di chiếu của Giác Hoàng Trần Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự Tam Bảo của mẹ cúng dường vào chùa Báo Ân, lại cúng Giàng vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phụ để làm thêm chùa tháp. Cũng trong năm đó, hoàng thái hậu Bảo Từ cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Trước đất, Hoàng Thái hậu đã quy y tại chùa này. Năm 1315, Trần Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân của họ Phạm cúng vào chùa. Năm 1317, tư đồ Văn Huệ Vương và công chúa Thượng Trân cúng dường tới 900 lạng vàng để đúc tượng Phật Di Lặc. Con trai của công chúa Nhật Trinh là cư sĩ Di Loan cúng dường 300 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa. Hoàng thái hậu Bảo Tử cúng dường 222 mẫu đất ở phủ An Hoa. Sau đó, tư đồ Văn Huệ Vương lại cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm. Lúc này điền địa cúng vào cho riêng chùa Quỳnh Lâm đã lên tới trên 1.000 mẫu. Chùa có tới 1.00 người tá điền làm ruộng…" (Sách đã dẫn, trang 383)- Những thông tin trên cho thấy trách nhiệm, công lao và ân đức của Đồng Kiên Cương- Pháp Loa lớn ra sao và được Trần triều đương nhiệm tín nhiệm thế nào?
        Bộ Đại Tạng Kinh, lần đầu tiên được Pháp Loa- Đồng Kiên Cương biên soạn và ấn hành ở nước ta vào giai đoạn này, gồm 5.000 quyển (sách Tam Tổ Thực Lục ghi là vào năm 1311, vua Anh Tông xuống chiếu cho khắc Đại Tạng Kinh và năm 1321, tôn giả Pháp Loa đã viết lời Bạt cho Đại Tạng Kinh đời Trần). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là "bản phó được khắc và in để lưu hành" (sao lại bản chính Đại Tạng Kinh 6010 quyển, đóng thành 587 tập, thỉnh  từ nhà Nguyên bên Trung Quốc. Công cuộc khắc và in Đại Tạng Kinh thời điểm Tổ Pháp Loa chủ trì, khởi sự năm 1311, mãi tới năm 1329 mới hoàn thành. Sách Tam Tổ Thực Lục còn chép là vua Trần Anh Tông sai khắc các tác phẩm của Giác Hoàng như:"Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mị Ngữ, Tăng Già Toái Sự và Đại Hương Hải Ân Thi Tập để vào Đại Tạng Kinh đời Trần".


Năm 1312, vua Trần Anh Tông thỉnh Tổ Pháp Loa- Kiên Cương vào cung Tư Phúc giảng Đại Tuệ Ngũ Lục, vì trước đó, năm 1304, vua Anh Tông đã được Giác Hoàng truyền thụ tại gia Bồ tát Tâm giới nên lần này, vua ngỏ ý nhờ Tổ chỉ dẫn cách thức thực hành "Hạnh Nguyện Bồ Tát" để giữ nước an dân và hộ trì Chính Pháp. Tổ đã biên tập cuốn Hộ Quốc Nhân vương Nghi quỹ để giúp vua Trần Anh Tông quán triệt đường lối tu học và cách hành xử của các bậc đế vương sao cho có ích lợi đối với dân với nước. Năm sau, tức vào 1313, Tổ phụng chiếu Vua về trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm(*)- Bắc Giang và đặt văn phòng Trung ương của Giáo Hội ở đó. (Hiện nay chùa Vĩnh Nghiêm - làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, một viên ngọc sáng của các chùa cổ Việt Nam. Văn bia chùa thời Trần viết: “Đức Tổ Điều Ngự Pháp Loa khi mở Đại Tùng lâm này, còn mở cái chợ Đức La. Các vị vương thân quốc thích và thập phương đàn Việt, phát tâm tậu ruộng đất ở tại bản xã và các hạt khác các nơi, để cúng hương dâng tam bảo muôn đời. Chùa này và chùa Sùng Nghiêm cả thảy 72 chốn Tùng lâm, công đức sáng tạo, hợp khắc vào bia ở chùa Hoa Nghiêm núi Yên tử”. Một tấm bia chùa dựng khác viết: “Ðức tổ Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) khi mở Tùng lâm này (tức chùa Vĩnh Nghiêm), mở cả chợ chùa. Các vị vương thân quốc thích và khách thập phương đã phát tâm tậu nhiều ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác nữa”- Trong kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan từ 14-16/5/2012, Thư viện mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Tối 6/10/2012, tại Bắc Giang, bà Katherine Muller Mari - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng công nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới. Sự kiện này được xếp thứ 2 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật nhất năm 2012 của Việt Nam).
        Niên hiệu Đại Khánh thứ IV (1317), đời vua Trần Minh Tông, tháng 2, năm Đinh Tỵ, Tổ Pháp Loa bị ốm nặng, Tổ Kiên Cưong liền viết tâm kệ và lấy bộ pháp y của Giác Hoàng đã trao cho Tổ khi trước để tặng lại cho Trạng nguyên Lý Đạo Tái- tức đệ tam Tổ Huyền Quang, còn pháp khí và tích trượng thì trao cho Cảnh Nguyện, phất tử thì Tổ Kiên Cương trao cho Cảnh Huy, gậy trúc Tổ trao cho Huệ Quán, pháp thư Tổ Pháp Loa trao cho Huệ Nhiên, linh vàng Tổ trao cho Hải Ân, mỏ vàng thì Tổ-cKiên Cương trao cho Huệ Chúc…, nhưng chỉ sau đó ít ngày, Tổ Pháp Loa lại được bình phục.

        Năm 1318, thượng hoàng Trần Anh Tông thỉnh Tổ vào cung Thiên Trường để giảng bộ Tuyết Đầu Ngữ Lục, sau khi khóa giảng kết thúc, vua Anh Tông tự tay viết 4 chữ "Phổ Tuệ Tôn Giả" kính dâng Tổ (Vua Anh Tông đối với Tổ thường khiêm tốn xưng là đệ tử). Quốc vụ thượng tể Quốc Chấn cũng thỉnh Tổ vào phủ An Hoa giảng Đại Tuệ ngữ Lục. Cũng năm ấy, Tổ còn trao giới Tại gia Tam quy cho công chúa Hoa Dương nhà Trần.
        Năm 1320, đại vương Tuệ Nhân xin thụ Bồ Tát Tâm Giới, và Quốc vụ Thượng tể thụ giới Tại gia Bồ Tát. Cách ba năm sau, năm 1323, các vương Trần triều như: Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đích thân đến chùa Báo Ân xin thụ Bồ Tát Tâm giới, hoàng thái hậu Bảo Từ và công chúa Bảo Vân cũng xin Tổ giảng kinh Hoa Nghiêm.
        Niên hiệu Khai Hựu năm đầu (1329), đời Trần Hiến Tông, Tổ Pháp Loa còn hưng công, xây dựng tiếp chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương và chùa Thanh Mai, Chí Linh, Hải Dương tạo cho nơi đây thành danh lam thắng cảnh. Tổ có làm bài thơ đề tên là: Luyến Thanh Sơn. Nguyên văn như sau:
"Sơ sấu cùng thu thủy
Sàm nham lạc chiếu trung
Ngang đầu khán bất tận
Lai lộ hựu trùng trùng".
 (Dòng thu gầy hun hút
Núi cao soi nước trong
Ngửng đầu nhìn bất tận
Đường trước nổi muôn trùng).
        (Bản dịch :Nguyễn Lang- Hòa thượng Thích Nhất Hạnh -VN Phật giáo sử luận)
        Niên hiệu Khai Hựu thứ 11 (1330). Ngày 5 tháng 2 năm Canh Ngọ, Tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương đang giảng kinh Hoa Nghiêm cho hàng ngàn người tới nghe tại viện An Lạc, bỗng Tổ cảm thấy trong mình khó chịu, Tổ Pháp Loa liền nhờ trưởng lão Bích Phong giảng tiếp. Đến ngày 11 thì bệnh Tổ thêm trầm trọng.
        Đến ngày 13, các đệ tử đưa Tổ- Pháp Loa về thiền viện chùa Quỳnh Lâm tĩnh dưỡng. Ngày 1 tháng 3, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm và cho gọi ngự y tới chẩn mạch và cắt thuốc cho Tổ Pháp Loa- Kiên Cương, nhưng tiếc rằng bệnh vẫn không thuyên giảm, các đệ tử quì bạch: "Xưa nay các bậc đại ngộ, lúc sắp tịch, đều có những lời kệ để lại cho đời sau, sao riêng thầy không có?"
Tổ liền ngồi dậy, cầm bút viết bài kệ sau:
"Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh man khoan".
Tạm dịch:
Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn
Trót nửa cuộc đời mộng thế gian
Hỡi các môn đồ đừng gạn hỏi
Bên kia trăng gió đẹp mênh mang.
          Viết xong bài kệ, Tổ định thần thị tịch, ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ, trụ thế 46 năm (nếu tính cả tuổi mụ mới là 47).
        Sau khi được tin Tổ Pháp Loa viên tịch, thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân ngự bút truy tặng Tổ là Tịnh Trí Đại Tôn Giả, đặt tên tháp Tổ là Viên Thông bảo tháp, và cúng mười lạng vàng để xây tháp; các đệ tử theo lời di chúc của Tổ, rước nhục thể Pháp Loa về nhập tháp tại núi chùa Thanh Mai, Chí Linh, Hải Dương:
"Thùy thủ tuần hòa dĩ liễu duyên
Giác hoàng kim lũ đắc nhân truyền
Thanh sơn mạn thảo quan tàng lý
Bích thụ thâm sương xác thoát thiền
Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt
Hiểu mê trượng thất hữu vô yên
Tương đầu châm giới ta phi tích
Trác tựu ai chương lệ huyễn nhiên".
 Trắng tay chẳng chút nợ trần mang
Đã có người truyền phép Giác vương
Giầy xếp trong quan, nghìn núi cỏ,
Ve ra ngoài xác, một cây sương.
Trăng đêm nương náu trong tăng viện,
Mù sớm ngăn che trước pháp đường.
Kim cổ cùng nhau nay vắng vẻ,
Viếng ai một khúc lệ đôi hàng.
Bản dịch của Đinh Văn Chấp (tạp chí Nam Phong)
        Ngót phần ba thế kỷ, từ khi đắc pháp đến lúc nhập diệt, ròng rã 24 năm, Tổ đã không ngừng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế thừa sự nghiệp lãnh đạo Giáo hội Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do Giác Hoàng Trần Nhân Tông trao phó, xét quá trình hoạt động hoằng dương Phật phát của Tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương, ta nhận thấy:
        Cách thức Nhập thế và Hành đạo của Pháp Loa- Đồng Kiên Cương:đối với tín đồ Phật giáo, bao gồm đầy đủ các tầng lớp trong xã hội, từ vua, quan đến thứ dân, nhưng Tổ Kiên Cương luôn luôn gần gũi đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, thể hiện qua những buổi đàm kinh, thuyết pháp, khi ở triều nội, lúc ở các chùa viện…
        Công cuộc Xây dựng và Kiến thiết: Tổ đã xây dựng 800 chùa, tháp, nhất là việc mở Đại Tùng lâm ở hai chùa Báo Ân, chùa Quỳnh Lâm, nhằm mục đích là đào tạo tăng tài, để sau ra hoằng dương Phật Pháp và giáo hóa tín đồ.
        Phương diện Văn học: Tổ đã trứ tác và chú giải các bộ kinh lớn, nhưng sự nghiệp quan trọng trong thời đại Tổ là việc ấn hành bộ Đại Tạng Kinh, và việc tổ chức xây dựng giáo hội thống nhất Đạo Phật Việt. Công cuộc tiến hành còn đang dở dang thì Tổ viên tịch. Đây quả là sự thiệt thòi, mất mát lớn lao chung cho đạo pháp và dân tộc Việt!
       
Những tác phẩm của Pháp Loa- Đồng Kiên Cương bao gồm:
1.            Đoạn Sách Lục
2.            Tham Thiền Yếu Chỉ
3.            Kim Cương Trường Đà La Ni Kinh Chú
4.            Pháp Hoa Kinh Khoa Sớ
5.            Bồ tát Tâm Kinh Khoa Sớ
6.            Thạch Thật Mị Ngữ
7.            Pháp Sự Khoa nghi
8.            Lăng Già Kinh Khoa Sớ
9.            Hộ Quốc Nhân Vương nghi Quĩ
10.     Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ Lục(*)
 
Tài liệu dẫn và tham khảo:
1. Tam tổ thực lục- Dịch giả: Thích Phước Sơn dịch và chú; Nhà xuất bản: Viện Nghiên Cứu Phật Học, Năm 1995
2. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (HT Thích Nhất Hạnh) tập I – Nhà xuất bản Hà Nội 1979.
3. Đạo Phật và dòng sử Việt- Thích Đức Nhuận- Phật Học Viện Quốc Tế California, Hoa Kỳ ấn hành 1998.
 

(*)Hiện chùa Vĩnh Nghiêm- Bắc Giang còn lưu giũ nhiều hiện vật có giá trị như: tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán…Trong số những đồ thờ tự ở đây, có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn. Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là Thiền viện đào tạo tăng đồ Phật giáo nên còn lưu nhiều bộ ván kinh rộng tới 10 gian nhà. Những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn, người xưa gọi là mộc thư khố là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm. Hiện, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán, có thể in ra đủ biên lan, bản tâm, ngư vĩ, thiên đầu, địa cước. Biên lan có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. Bản tâm cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có Ngư vĩ theo kiểu song Ngư vĩ. Tả hữu, thượng hạ Biên lan có Thiên đầu - Địa cước, ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có là tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng...
 
(*)Phần lớn những tác phẩm trên đều đã bị thất lạc, hiện chỉ còn lại Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ lục do Ngài Đồng Kiên Cương biên tập, nhưng thi tụng về thiền ngữ của thượng sĩ Tuệ Trung là do Giác Hoàng Trần Nhân Tông khảo đính. Và một phần Đoạn Sách lục; một phần Tham thiền Chỉ yếu in trong bộ Tam Tổ Thực lục thế kỷ XVIII. Ngoài ra, còn lại ba bài thơ: một bài ca ngợi thượng sĩ Tuệ Trung, in trong Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ lục, hai bài khác, thể Ngũ ngôn và Tứ tuyệt in trong Việt âm Thi tập và Trích diễm Thi tập.

Tác giả bài viết: Đồng Thị Hoàn, Ủy viên BCH- Phó ban tư liệu tộc phả Họ Đồng Việt Nam

Nguồn tin: hodong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây