Đám giỗ có vị trí quan trọng trong việc thờ cúng Tổ tiên
- Thứ ba - 05/07/2016 20:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ lâu đời, mỗi gia đình Việt Nam không phân biệt giàu nghèo sang hèn, kể cả nhiều gia đình theo đạo Thiên Chúa. Gia đình nào cũng theo tập quán thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ (gọi chung là thờ cúng Tổ tiên).
Việc thờ cúng Tổ tiên đã trở thành quốc đạo, có người đề cao là “Đạo Ông Bà”, được xã hội coi như là một tiêu chuẩn quan trọng của nề nếp gia phong, là hành vi hợp đạo đức truyền thống. Vì nó bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu luôn tưởng nhớ công ơn Tổ tiên ông bà và đấng sanh thành, cơ sở gắn bó mảnh đất quê hương, yêu thương bà con dòng họ, làng xóm, là đầu mối của tình yêu Tổ quốc, đồng bào.
Thờ cúng Tổ tiên còn bắt nguồn từ quan niệm “dương sao âm vậy” và con người có linh hồn “thác là thể phách, hồn là tinh anh”, dù Tổ tiên đã thác nơi suối vàng nhưng linh hồn vẫn luôn quây quần bên con cháu, thường xuyên thăm nom, phù hộ con cháu lúc khó khăn, tức linh hồn người chết có mối quan hệ, có tác động đến đời sống tinh thần người sống.
Nhiều gia đình đặt lọ hài cốt ông bà trên bàn thờ trong nhà, hoặc xây mộ người quá cố ngay trong vườn nhà để ông bà cha mẹ vẫn được ở gần gũi với con cháu, con cháu cũng tiện việc chăm nom, nhang khói. Nhờ coi trọng việc thờ cúng Tổ tiên, con cháu luôn ăn ở phải đạo, gìn giữ gia phong, không dám làm điều sai quấy (tức không phạm luật: luật nhà, luật nước) mà phụ lòng Tổ tiên, ông bà. Như vậy cả lý lẫn tình, việc thờ cúng Tổ tiên là việc làm tốt, cần được duy trì.
Tuy nhiên thực tế từ hơn nửa thế kỷ nay trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài, nhiều gia đình, dòng họ ly tán khắp nơi, nhất là các đô thị. Nhiều gia đình tán gia bại sản. Nhưng cũng có một số gia đình gặp thời thế lại ăn nên làm ra trở thành giàu có. Phú quý sanh lễ nghĩa. Từ việc phân hóa xã hội dẫn đến kiểu cách khác nhau trong việc thờ cúng Tổ tiên của mình, tiêu biểu trong ngày giỗ.
Đa số gia đình nghèo khó vẫn nhớ ngày giỗ kỵ Tổ tiên, ông bà, có gì cúng nấy, “dĩa dưa dĩa muối”, vẫn cúng trên ghe xuồng, trong căn nhà ổ chuột để chứng minh tấm lòng thành. Điều đáng nói là ở những gia đình khá giả, ở nông thôn hay thành thị, họ coi ngày giỗ kỵ là dịp để phô trương thanh thế, khoe khoan sự giàu có nên tổ chức cúng bái linh đình, hằng trăm khách gần xa ăn nhậu thỏa thuê, thâu đêm suốt sáng vừa lãng phí tiền của công sức thời gian vừa gây mất trật tự xóm ấp, khu phố dân cư cần sự yên ổn nghỉ ngơi.
Những nhà giàu ở nông thôn ngày xưa làm đám giỗ tới ba ngày: tiên thường, chánh giỗ và hậu thường. Ngày nay các nhà giàu ở nông thôn cúng giản tiện hơn chỉ tập trung một ngày chánh giỗ để cho con cháu còn về lo mùa màng sản xuất làm ăn. Ở thành phố do thời gian và nhà ở chật chội người ta tổ chức cúng giỗ trong một buổi, có khi buổi tối, chủ yếu gồm con cháu trong họ và mời thêm một ít bạn bè thân thích, và một số người ở cơ quan, đơn vị, xí nghiệp có quan hệ công tác làm ăn.
Một số gia đình có đông con cháu là cán bộ công nhân viên làm việc theo giờ hành chánh, thường linh động đổi ngày giỗ lên trước hoặc xuống sau một ngày so với ngày mất cho nhằm ngày nghỉ để con cháu được về dự đông đủ. Hằng năm thường mỗi gia đình có từ 1, 2 đám giỗ, cá biệt những gia đình hưởng đất, nhà hương hỏa cúng 5 - 7 đám giỗ. Quy mô từng đám giỗ lớn, nhỏ tùy hoàn cảnh kinh tế gia đình và cũng tùy mối quan hệ của người quá cố đối với gia chủ.
Thường người ta giỗ cha mẹ tổ chức lớn nhất, nội ngoại giỗ thường, anh chị em, cô dì cậu giỗ nhỏ. Khách mời cũng tùy đám giỗ lớn nhỏ mà mời khách đông hay ít. Mời khách cũng phải thể hiện sự lễ nghĩa tôn trọng theo thế thứ trong gia tộc. Bậc ông, bà, cô, bác phải đích thân người chủ đám giỗ đến tận nhà mời từng người, nếu ngang cấp trở xuống có thể cử em út con cháu mời thay.
Còn con cháu cứ đến ngày giỗ ông bà là tự động về. Ai vắng mặt không có lý do chánh đáng coi như thất lễ, vắng mặt nhiều lần bị lên án là bất hiếu. Vì mỗi năm chỉ cúng một lần. Tuyệt đối đám giỗ phải làm tại nhà mình, không ai tổ chức tại nhà hàng như tiệc liên hoan hay đám cưới. Ở nhà có thể đặt mua thêm một số thức ăn, xôi, bánh trái đem về cúng. Ngoài những thức cúng là món ăn thông thường như: nem bì chả giò, canh chua cá kho, thịt kho tàu, cà ri, ra gu… nhiều gia đình còn có vật cúng đặc trưng được quy định cho từng dòng họ như: cá lóc nướng, bánh tráng, cốm nổ (tổ tiên gốc miền Trung) hay gà luộc kèm muối chanh, trứng luộc… (Tổ tiên gốc miền Bắc) để cho dòng họ dễ nhận biết nhau như trong ngày giỗ tộc, cúng việc lề.
Nơi thờ cúng duy nhất của đám giỗ là bàn thờ. Bàn thờ được đặt chỗ trang trọng ở giữa nhà, hơi lùi về phía trong. Bàn thờ thường theo kích thước phổ biến: cao 1,2m, rộng 1,25 x 0,7 mét được làm bằng loại gỗ quý. Ở nhà giàu bàn thờ có chạm trổ, cẩn ốc xà cừ, ở nhà nghèo bàn thờ bằng gỗ dầu gỗ tạp. Ngày nay bàn thờ phần lớn được thay bằng tủ thờ kiểu Gò Công, khắc chạm đẹp mắt vừa làm nơi thờ cúng vừa làm vật trang trí trong nhà, bên trong tủ còn cất giữ được nhiều thứ dùng cho việc tế lễ, chén dĩa kiểu, mâm thau, còn là tủ rượu rất tiện lợi.
Ở thành phố, do nhà cửa chật hẹp nhiều nhà tận dụng đầu tủ áo, tủ búp phê hoặc gắn kệ dài vào tường làm bàn thờ… Đồ thờ cúng trên bàn thờ gồm: Lư nhang hình tròn bằng gỗ tiện, bằng sành sứ hoặc đồng thau rỗng ruột chứa tro để cắm nhang đặt ngay giữa gần sát phía trước, nằm thẳng hàng với cặp chân đèn bằng gỗ tiện hoặc bằng thau ở hai bên. Bình bông, còn gọi là lục bình tức bình cắm hoa, nguyên là bình sứ có 6 cạnh thể hiện ý tưởng: tâm không lục căn thanh tịnh. Lục bình đặt ở phía Đông (phải) của bàn thờ đối xứng với cái chò 3 chân thế vững trên đội dĩa bàng thang trái cây ngũ quả ở hướng Tây (trái) theo quy ước “Đông bình Tây quả”. Nơi trang trọng nhất của bàn thờ ở giữa phía trong đặt chân dung người được thờ cúng.
Nhiều gia đình còn phân biệt: người quá cố còn trẻ hoặc mới chết thì thờ chân dung, còn đối với ông bà cha mẹ đã già thì thờ ảnh toàn thân, ngồi ghế dựa, tay để trên bàn có bình bông, bộ đồ trà… cho thêm phần trang nghiêm. Đồ cúng được bày một phần trên bàn thờ, còn phần lớn để trên bàn độc, thấp hơn đặt ngay sát phía sau bàn thờ.
Tiến hành lễ cúng thường do người chủ gia đình, hay con trai trưởng ăn mặc chỉnh tề thắp nhang khấn vái. Mỗi gia đình có một loại văn khấn riêng, thường khấn rằng: Con tên… là con cháu của ông (bà) cha (mẹ) tên, nay là ngày … tháng … năm … ngày kỵ giỗ của … gia đình con có nấu mâm cơm cúng mời… về chứng minh phù hộ cho gia đình con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Nhân tiện kính mời Quý vị Tổ Cô Lãnh Cô Thúc Bá Đệ Huynh trong dòng họ về chung hưởng.
Nơi cúng chính người thân là cúng trên bàn thờ. Trong mỗi đám giỗ còn dành 2 mâm khác: 1 mâm cúng đất đai dương trạch bày ở bộ ván, hoặc bàn tròn và 1 mâm đặt ngoài sân trước nhà cúng chiến sĩ trận vong để nhớ ơn những vị đã phù hộ gia đình và nhớ ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Đám giỗ có mục đích, ý nghĩa quan trọng như vậy, nhiều gia đình nghèo vẫn phải xoay sở dành dụm làm được đám giỗ mới yên lòng.
Hầu hết gia đình ở nông thôn phải chuẩn bị trước từ mấy tháng lo nuôi heo, gà, vịt, để dành gạo, nếp ngon cho lễ cúng giỗ. Thờ cúng tổ tiên còn được thể hiện trong dịp Tết Nguyên đán : 30 Tết, rước ông bà về vui Tết với con cháu, được cúng kiến suốt 3 ngày Tết, đến chiều mùng 3 mới đưa (kiếu) ông bà. Thức cúng đủ cả cơm canh bánh trái. Thờ cúng Tổ tiên còn được thể hiện ở các dịp rằm nguơn, dịp vui mừng, cưới hỏi trong nhà và thắp nhang mỗi tối.
Ngày 12/1/1998, Bộ Chính trị BCH TW ĐCSVN đã ra Chỉ thị số 27/CT-TW về việc thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tiếp đó là Chỉ thị 14 của Chính phủ, Thông tư 04 của Bộ VHTT, Chỉ thị 18 của Thành ủy TP.HCM và kế hoạch 1524 của UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện và tháng 10/2000, sở VH TT TP.HCM đã có hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 27/CT - TW, đánh giá có nhiều tiến bộ ban đầu. Việc thờ cúng tổ tiên là việc làm mang tính riêng lẻ của từng gia đình nhưng lại phổ biến rộng rãi và sâu sắc nhất đến từng gia đình từng người dân cũng cần được quan tâm theo dõi chấn chỉnh.
Như trên đã nói, nhớ ngày giỗ và tổ chức cúng giỗ là nếp thuần phong mỹ tục của dân tộc ta là việc làm báo hiếu mà biểu hiện tập trung nhất là lễ giỗ. Lễ giỗ có nét khác với tiệc cưới, tiệc ăn mừng, lễ hội vì nó được tổ chức ngay trong mỗi gia đình, lại thuộc phạm trù đạo đức truyền thống rất tế nhị. Chính quyền, đoàn thể khó quản lý chỉ đạo, chỉ còn cách tăng cường tuyền truyền vận động để người dân thấy rõ mục đích ý nghĩa mà tổ chức lễ cúng phù hợp, thiết thực và tiết kiệm.
Cũng cần nhắc lại, ngay việc đám giỗ mà cúng tế linh đình, ăn nhậu thỏa thích, ngoài việc lãng phí tiền của công sức thời gian, còn sai với ý nghĩa ban đầu: Ngày giỗ là kỷ niệm ngày mất của người thân tức ngày buồn, ngày “chung thân chi tang”. Ngày buồn mà tổ chức ăn nhậu đờn ca hát xướng, thật là không nên. Đúng ra ngày giỗ ông bà, Tổ tiên là dịp tập trung con cháu đông đủ, bên cạnh việc cúng kiến mang tính nghi lễ nếu bớt phần ăn nhậu, người trưởng tộc có thể dành thời gian ngồi ở ghế giữa đọc lại bộ gia phả của dòng họ ôn lại truyền thống nói rõ cho con cháu biết công ơn Tổ tiên,ông bà đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để xây dựng cơ ngơi được như ngày nay, dòng họ đã góp phần xây dựng bảo vệ quê hương, biết rõ mối quan hệ thế thứ trong dòng họ, tránh việc cưới gả lầm lẫn những người trong họ.
Qua đó, con cháu càng gắn bó thương yêu giúp đỡ nhau càng tự hào về Tổ tiên ông bà để lớp con cháu ngày nay phải giữ gìn thanh danh họ, đừng vì chút quyền lợi vật chất mà đối xử nhau như người dưng nước lã. Từ đặc điểm của tục thờ cúng Tổ tiên, xét thêm các mặt hoàn cảnh xã hội, điều kiện kinh tế hiện nay, cùng với thực tế chúng tôi ghi nhận được trong thời gian trực tiếp dựng gia phả cho nhiều dòng họ, chúng tôi xin được kiến nghị chính quyền các cấp nhất là cấp cơ sở (gia đình ai cũng có cúng giỗ) nên xác định đây là nét đẹp văn hóa truyền thống cần quan tâm định hướng bảo tồn và thực hiện đúng mục đích ý nghĩa mang tính giáo dục cao.
Thờ cúng Tổ tiên là tập tục, là sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của mọi người, trở thành nét đạo đức văn hóa của dân tộc. Thờ cúng Tổ tiên do con người đặt ra nên cũng được biến cải theo tiến trình tiến hóa của lịch sử. Ngày nay việc chấn chỉnh việc thờ cúng Tổ tiên, mà tập trung nhất là lễ giỗ - là cần thiết để cho thích hợp với thời đại, vừa tiện lợi, tiết kiệm, tránh thái quá sanh lãng phí, phô trương, cũng không nên bất cập giản tiện hoặc biến thành tiệc ăn nhậu làm mất dần ý nghĩa cao đẹp cần bảo tồn của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức phải có quá trình. Cho nên cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong nhân dân phải kiên trì, tế nhị, với phương pháp linh hoạt sáng tạo thiết thực để cho mỗi người dân thấy được “đó là việc làm của mình, đem lại lợi ích cho chính mình” thì mới thành công.