Trang thông tin họ Đồng Bá, Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương

https://hodongba.vn


Gia phả và nhà thờ họ

Thật cảm động khi nhìn thấy từ gia phả những lời nhắn nhủ, răn dạy đạo đức của các bậc tổ tiên đối với con cháu cho đến hôm nay vẫn còn nóng hổi ý nghĩa: "Con cháu nhà ta, ai nấy đều phải biết tôn trọng lời dạy của ông bà, phải lấy việc cày cấy, đọc sách, học hành làm nghiệp... phải lấy điều hiếu thuận làm đầu, thì sẽ hạnh phúc". Ngoài việc ghi chép đầy đủ lịch sử của gia tộc và thế thứ các nhánh, các chi của mỗi dòng họ, gia phả còn mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Gia phả và nhà thờ họ
Cội rễ, gốc gác với nhiều người Việt Nam thật đơn giản mà ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, những nhà thờ họ. Với mỗi dòng họ, gia phả và nhà thờ họ là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ. Nhà có phả cũng như nước có sử, phả nhà để ghi chép thế thứ các đời theo hệ thống huyết mạch, trên dưới, mà thuật lại phân minh về bản chi, khiến cho muôn đời con cháu nhìn vào thì thấy rõ ràng như ở trước mắt.
Cũng như nhiều dòng họ khác trên cả nước, dòng họ Nguyễn Thạc ở Thôn Lăng - Làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn - Bắc Ninh từ nhiều đời nay luôn khắc ghi những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Hàng năm, những người con của dòng họ Nguyễn Thạc dù xa gần đều hành hương tưởng nhớ, viếng mộ tổ dòng họ - Người đã làm rạng danh dòng họ - cụ Nguyễn Thị Ngọc Long. Trong gia phả họ Nguyễn Thạc có ghi rằng: Cuối thời Lê Mạc sang đầu thời Mạc, ở làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc có gia đình ông bà Nguyễn Thạc ăn ở hiền lành, phúc đức, ông bà sinh được một gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị Long mà sau này khi vào làm Phi chúa Minh Khang Thái Vương đổi là Nguyễn Thị Ngọc Long. Người con thứ là trai là Nguyễn Thạc Căn. Ông Căn nắm được cả lục ban võ nghệ, bốn bộ binh thư nên rất tài giỏi đã qua trăm trận đánh lập công báo quốc được Vua phong là Tuyên Quận công. 7 đời con cháu ông liên tục làm quan, phò Vua giúp nước. Gia phả của một nhà, một dòng họ được coi như bộ sử nhỏ của một nước.
Trong nền văn hóa Phương Đông, lịch sử gia phả đã có trên 3000 năm, châu Âu đã có gần 500 năm. Gia phả được coi như một bức tranh lịch sử thu nhỏ của một dòng họ, thậm chí lớn hơn là của một làng, một vùng đất cùng với những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội liên tục, sự tham gia và những ảnh hưởng của dòng họ đến tiến trình của lịch sử xã hội của những vùng, miền khác nhau.
Tại Việt Nam, gia phả sơ giản ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và địa điểm an táng của ông cha. Theo các nhà sử học phỏng đoán thì gia phả đã xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú ở Giao Chỉ hoặc gần hơn tức là từ thời Lý Nam Đế (khoảng nÇŽm 476-545). Nhưng phải đến thời nhà Lý, nhà Trần (thế kỷ IX - XIII), cùng với hàng loạt những chiến công hiển hách, chấn động phương Bắc của cha ông ta chống lại các thế lực xâm lược từ phía Bắc tràn xuống, đất nước được thanh bình trong một thời gian dài mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả (ghi cả thế thứ, tông tích toàn họ), phả ký (ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên).
Mới đầu gia phả xuất hiện chỉ trong Hoàng tộc cùng giới quan lại. Nhà Lý có "Hoàng Triều Ngọc Điệp" - năm 1026; nhà Trần có "Hoàng Tông Ngọc Điệp", nhà Lê có "Hoàng Lê Ngọc Phả"... Cùng với sự xuất hiện các gia phả của Hoàng tộc là gia phả của các Danh gia, quan lại và cứ thế lan rộng, phổ biến ghi chép gia phả trong nhân dân.
Trước Cách mạng Tháng 8, gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Nho nhưng số người giỏi chữ Nho không nhiều, qua nhiều năm chiến tranh, nhiều bộ, cuốn gia phả của nhiều dòng họ cũng mất dần... Ngày nay, ý nghĩa của những bộ gia phả đã được thừa nhận bởi những giá trị đạo đức, văn hóa tinh thần to lớn với mỗi con người trong từng dòng họ. Từ xa xưa đến ngày nay, việc thờ cúng tổ tiên luôn là nền tảng của những nghi thức tôn giáo ở trong mọi con người Việt Nam. Vì Việt Nam là đất nước có nền văn hiến lâu đời với một tôn giáo truyền thống bao trùm là đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người có công với đất nước, với nhân dân. Giáo sư Trần Văn Giầu - một nhà văn hóa Việt Nam đã nhận định: Xưa nay ông bà ta luôn luôn cho rằng để giáo dục con cháu không gì hay hơn dạy lịch sử: lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình. Đạo đức, nhân cách con người Việt Nam xuất phát từ những lời giáo huấn của các vị thánh hiền, các lời dạy dỗ của tổ tiên được đúc kết trong các bộ gia phả lưu truyền qua nhiều đời, như là gương mẫu "đối nhân xử thế" trong cuộc sống.
- Gia phả có giá trị về lịch sử - Gia phả có giá trị về đạo đức - Gia phả có giá trị khuyến khích học hành.
Gia phả là tài liệu cụ thể nhất để giáo dục truyền thống quý báu của dòng họ, gắn liền với truyền thống dân tộc cho từng gia đình, từng con người. Truyền thống ấy đã trở thành trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trong thực tế xã hội đang có những chuyển biến về tư tưởng, lối sống, đã xuất hiện sự đi xuống và băng hoại về đạo đức của một phần không nhỏ thanh niên. Do đó, việc giáo dục, định hướng cho thanh thiếu niên những kiến thức về dòng họ, về giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dòng họ là thực sự cần thiết bởi thế hệ trẻ với những kiến thức về giá trị văn hóa, đạo đức của gia đình, dòng họ có thể điều chỉnh năng lực hành vi của mình đúng đắn trong cuộc sống.
Gia phả được các nhà sử học coi là nguồn bổ sung cực kỳ quan trọng cho chính sử bởi những thông tin từ những nhân vật, sự kiện của dòng họ đều được ghi lại một cách trung thực, cụ thể và rõ ràng trong gia phả. Việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng của gia đình Việt Nam, gia đình từ ông cố, bà cố, xuống cháu chắt đều sống chung trong một mối dây liên hệ hết sức chặt chẽ về huyết thống, máu mủ. Làm người ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên như cây có cội nguồn, có gốc, có rễ. Hướng về nguồn cội là những cảm xúc, những tâm tư cùng một thế giới tâm linh trong sáng, thiêng liêng với những cảm hứng vang vọng, xuất phát từ đáy lòng qua sự khôi phục, bổ sung và duy trì sự liên tục của gia phả dòng họ, nhà thờ họ là trào lưu văn hóa đang phát triển ở nước ta hiện nay. Có những bộ gia phả của một số dòng họ được viết các đây vài trăm năm nay vẫn được lưu giữ cẩn thận, để lưu giữ truyền qua nhiều thế hệ thì thật không phải là dễ. Gia phả cùng với nhà thờ họ luôn sống mãi trong từng con người Việt Nam:
- Nhà thờ họ trường tồn tượng trưng cho một dòng họ bền vững, lâu đời - Nhà thờ họ nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn.
Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ. Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sự sắp sếp có chủ ý thể hiện những thông tin về gia đình, dòng họ được kết cấu một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong họ cũng như người ngoại tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử của dòng họ cùng những con người, những danh nhân của dòng họ. Vào đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn Thạc có Cụ Nguyễn Thạc Lượng làm quan ở Trấn Thanh Hoa. Cụ đã dành dụm của cải để đóng góp cho quê hương mình là làng Đình Bảng một ngôi đình. Đầu tiên cụ cho dựng nhà thờ họ để luyện thợ và lấy kiểu làm đình làng. Nhà thờ cụ cho xây dựng là một công trình hoành tráng đồ sộ hiếm có, với kiến trúc thuần nhất của người Việt. Các công trình nhà thờ họ Nguyễn Thạc, Đình làng Đình Bảng làm xong, công lao ông bà Nguyễn Thạc Lượng và Nguyễn Thị Nguyên to lớn không kể xiết. Ông bà được bà con, họ hàng, làng nước vô cùng biết ơn và trân trọng.
Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong sử xanh của đất nước, của dân tộc. Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong dòng họ bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, những tấm gương sáng của tổ tiên và đồng thời những ước vọng của mỗi còn người trong dòng họ được nguyện cầu tại đây. Truyền thống cả dân tộc cũng như mỗi dòng họ, mỗi gia đình cần phải gìn giữ là: "Uống nước nhớ nguồn, nhân hậu thuỷ chung, thương người như thể thương thân, đoàn kết tương thân tương ái làng xóm khi tối lửa tắt đèn, hiếu học, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, lao động cần cù, sáng tạo ...".
Là lịch sử văn hóa của dòng họ và gia đình ở Việt Nam, gia phả còn được coi như một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Không chỉ là cơ sở để các dòng họ, các chi họ lần tìm về gốc rễ, chắp nối cội nguồn, gia phả còn luôn giữ vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc củng cố gia tộc, gia đình và giáo dục đạo đức cho con cháu. Bởi vì, gia phả không chỉ giúp cho con cháu biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, tổ tiên công đức ra sao, gia phả còn được gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, chứa đựng những điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Từ gia phả, từ gia tộc, từ tiểu chi đến đại tông, cả dòng họ. Đó chính là sự đa hướng, đa lớp để bảo vệ nề nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc hôm nay và mai sau.

Tác giả bài viết: Bùi Chí Nhân

Nguồn tin: vanhoaphuongodng.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây