Trang thông tin họ Đồng Bá, Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương

https://hodongba.vn


Tết thanh minh: Tục lệ tảo mộ và ăn đồ nguội của người Việt

Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

Tiết Thanh minh là ngày đầu tiên trong tháng 3 theo lịch Tiết khí, tức lịch Mặt trời: Tháng 1 bắt đầu từ Lập Xuân, tháng 2 khởi từ Kinh Trập, tháng 3 bắt đầu từ Thanh Minh, tháng 4 từ Lập Hạ... Thông thường Thanh minh rơi vào ngày 4 hoặc 5/4 dương lịch tùy từng năm. Năm 2015 ngày nay là 5/4 dương lịch (chủ nhật). Nhiều người nhầm lẫn cho rằng tiết Thanh minh tính theo âm lịch.

Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên và đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt Nam.

Nguồn gốc Tết Thanh minh

Nguồn gốc tết Thanh minh Tết Thanh minh được bắt nguồn từ Trung Quốc. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm). Từ đó ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. Từ thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi – bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội – hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi – bánh chay.

Phong tục ngày Tết Thanh minh

*Tục lệ tảo mộ

Tục Tảo mộ Đối với người Việt, tết Thanh minh còn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.

Thủ tục “đón” các cụ về cũng thật đơn giản, chủ yếu là cái tình của con cháu. Thời gian tảo mộ rầm rộ nhất là từ 20 đến 25 tháng Chạp cho đến hết năm, tùy theo điều kiện thời gian của mỗi gia đình. Cũng có nơi việc tảo mộ được thực hiện vào dịp đầu năm – vào Tết Thanh minh (còn gọi là Tết hàn thực ăn bánh trôi, bánh chay vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch) hàng năm. Việc tảo mộ trong tiết Thanh minh đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc và có ảnh hưởng tới văn hoá Việt Nam. Cứ đến ngày này, mọi người đều ra ngoại ô, hoặc thờ cúng tổ tiên, đi tảo mộ, đi chơi xuân, bẻ cành liễu cắm trước cửa nhà. Có người không chỉ đến mộ tổ tiên đốt tiền bạc, mà còn làm mâm cỗ đầy để cúng trước mộ. Tuy là bắt nguồn từ tế lễ tổ tiên, nhưng trong quá trình phát triển lâu dài, Tết Thanh minh cũng xen lẫn cả những nội dung chơi xuân.Trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã phản ánh:

Thanh minh trong tiết tháng 3
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Với người Việt thì việc tảo mộ chủ yếu vẫn được tiến hành vào dịp cuối tháng 12 âm lịch, với quan niệm là sửa sang mộ phần, đón người quá cố về ăn tết. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ. Tục tảo mộ cuối năm, không chỉ là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Tuỳ theo phong tục từng nơi, cũng có khi việc tảo mộ diễn ra mang tính chất gia đình nhỏ hoặc đi tảo mộ theo dòng họ. Nếu là tảo mộ theo dòng họ thì thường được làm vào ngày chạp họ, ngày mà anh em trong họ hàng nội tộc gặp mặt cuối năm tại nhà thờ lớn của tổ tiên để cúng lễ, dọn dẹp, sơn phết, trang hoàng… Thời gian cụ thể do mọi người tự chọn, thống nhất và thường là vào ngày nghỉ để sự có mặt của mọi người thêm đông đúc hơn. Mỗi gia đình cử một người đi đại diện.Trong những ngày này, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Người đi tảo mộ lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ cho được sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Mỗi ngôi mộ được sửa sang xong lại đắp một vuông đất mới đặt lên phần trung tâm, sau đó thắp nén nhang và có lời mời người đã khuất về hưởng Tết cùng con cháu. Cũng có khi, người tảo mộ đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng.

Đón ông bà về rồi, từ chiều 30 Tết và vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3, con cháu thường làm mâm cơm chu đáo đặt lên bàn thờ, cúng gia tiên với tất cả tấm lòng thành kính thiêng liêng. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của chuỗi ngày nghỉ ngơi vui Tết của con cháu hoặc là ngày mùng 3, mùng 4 Tết. Mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ. Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất và cũng để kết nối tình yêu thương, đoàn kết giữa những người hiện tại với người muôn năm cũ, giữa những người đang sống với nhau.

** 11 điều kiêng kị bắt buộc phải biết khi đi tảo mộ

1. Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh, tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.

2. Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

3. Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.

4. Khi tảo mộ, không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt là những trẻ vị thành niên lại cần phải chú ý.

5. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ hành kinh. Phụ nữ có thai cũng không nên đi tảo mộ.

6. Những bạn có khí trường yếu, tốt nhất là về nhà bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta rất hay thấy có người đi tảo mộ về bị sốt hoặc cảm thấy không khỏe, cũng có thể dùng cách này để tránh.

7. Bởi vì tảo mộ cũng thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.

8. Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.

9. Tiết Thanh Minh có một số cấm kỵ phong thủy thường gặp cần phải đặc biệt tuân thủ. Tiết Thanh Minh không nên mua giày (vì trong tiếng Trung giày và từ tà (tà khí) đọc giống nhau). Thêm vào đó, những ngày này âm khí rất nặng, do vậy không nên đi đêm, nếu như có việc cần đi phải đem theo một số vật tránh tà.

10. Bạn không nên chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ dù đây là khoảng thời gian nhiều người thân đang bên cạnh nhau.

11. Cấm kị việc nói bậy hoặc đùa cợt trong khi làm lễ tảo mộ,

Tảo mộ ở quê nhà mỗi dịp Tết đến, xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Chính vì thế, việc tảo mộ càng chứng tỏ ý nghĩa sâu sắc của câu ca dao:

Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.

Tiết trời cuối năm đã chớm xuân nhưng còn vương rét mướt, không gian còn hơi âm u vì thiếu ánh mặt trời. Không gian ấy thường gợi lên trong tâm hồn con người một nỗi buồn man mác, bâng khuâng. Ở một nơi xa xôi nào đó, có người xa quê vì nhiều lí do khác nhau mà không thể trở về, thắp một nén nhang thơm trên mộ cho người thân. Chứng kiến cái cảnh người người đi tảo mộ, nhà nhà đi tảo mộ, chắc lòng người cũng lắng xuống, bồi hồi, nhung nhớ và muốn quay về ngay bên gia đình mình…Nhưng tổ tiên nơi suối vàng cũng giàu lòng vị tha, thấu hiểu nỗi lòng con cháu mà đón nhận nén tâm hương trong lòng người đang sống.

Tảo mộ ngày Tết là một phong tục đẹp. Mỗi phong tục đẹp là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu những giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong, cũng là góp phần tạo nên dòng chảy văn hoá làng Việt và bảo tồn được hồn thiêng của văn hoá dân tộc.

*Ăn đồ nguội, hay tiết kiệm thức ăn: 

Tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay

Một số nơi vẫn bảo lưu tập tục ăn đồ nguội, không thắp lửa trong ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, vì họ cho rằng không làm như vậy dễ có tai ương. Việc cấm lửa bắt ăn đồ nguội phản ánh một tập tục cổ xưa trước khi có lửa. Trong xã hội nguyên thủy, mọi người lấy đá đánh lửa, hoặc cưa củi gỗ cho tóe lửa, lấy lửa khá khó khăn nên là một việc rất quan trọng với người xưa. Họ coi lửa như một vị thần cai quản, cần làm lễ khi xin lửa mới. Tháng 3 mùa xuân đúng là dịp mà thời tiết thuận lợi để lấy lửa mới. Trước khi có lửa mới, cần cấm không được dùng lửa nữa.

Thời Hán gọi là tết Hàn thực đúng ra là tết cấm lửa, vì người dân không được dùng lửa, đến tối mới bắt đầu lấy lửa mới trong cung và truyền trước cho các gia đình đại thần quý tộc. Khi lấy lửa mới phải làm lễ tế tổ tiên rất lớn, làm những hình nộm lớn rồi đốt để dâng cho thần lửa.

Một số nơi người ta sau khi mang đồ đi cúng lễ thì lấy chia phần mang về hoặc cùng nhau ăn. Khi tảo mộ mang bánh tự làm sẵn đi cúng lễ, xong xuôi các thủ tục tảo mộ lại mang về thụ lộc.

*Đạp thanh:

Cũng chính là du xuân. Tiết Thanh minh đã bắt đầu bớt lạnh, cây cối phát triển mạnh mẽ, rất nhiều loài hoa nở rộ, là thời điểm thích hợp để đi dã ngoại, ngắm cảnh.

*Trồng cây: 

Thanh minh là Tết trồng cây

Trước và sau Thanh minh, mưa xuân có ở nhiều nơi, sức sống của cây cũng mãnh liệt, vì thế từ xưa đến nay người ta có thói quen trồng cây vào mùa xuân. Nhiều người còn gọi tiết Thanh minh là tết trồng cây. Phong tục này được lưu truyền đến tận ngày nay.

Nguồn tin: lichvannien365.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây