Trang thông tin họ Đồng Bá, Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương

https://hodongba.vn


Hương ước làng Khê Khẩu (làng Viên) năm 1942

Số hóa từ bản chép tay lưu tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hôi, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Hương ước làng Khê Khẩu (làng Viên) năm 1942
HƯƠNG ƯỚC LÀNG KHÊ KHẨU
(Tổng Vĩnh Đại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương – năm 1942)
 
Phần thứ nhất: CÁC ĐIỀU LỆ VIỆC CHÍNH TRỊ TRONG LÀNG
 
Điều thứ 1
Việc chính trị trong làng thì phải tuân theo các nghị định quan thống sứ Bắc Kỳ hiện thi hành về việc cải lương hành chính. Những nghị định ấy ấn định cách cắt cử tộc biểu và kỳ mục, cách hành động của những chức vụ của Hội đồng Hương Chính và Hội đồng Kỳ mục cùng là chức vụ của phó lý trưởng nữa.
 
SỔ THU CHI
 
Điều thứ 2
Những khoản thu và những khoản chi trong làng hàng năm thì phải cho vào một quyển sách chi thu.
Cách lập sổ chi thu, cách bàn định các khoản, cách duyệt y và việc thi hành sổ chi thu thì phải chiểu nghị định quan trên mà thi hành.
 
TIỀN LỘ PHÍ
 
Điều thứ 3
Tiền lộ phí của Hương hội hay Tổng lý đi việc quan thì làng phải chịu và theo lệ sau này:
1. Đi việc quan trong vòng 5 cây số thì được lệ phí
2. Nếu đi ngoài vòng ấy thì mỗi ngày được 0,2 đồng và tiền lệ phí 0,01 đồng cây số vừa đi vừa về.
3. Đi việc quan trong địa phận làng mình hay là đi đâu mà không có lệnh quan trên sức thì không được lĩnh tiền lệ phí.
 
BỔ SƯU THUẾ
 
Điều thứ 4
Khi lý trưởng tiếp được mức thuế thì phải tường chánh hội biệt để Hội đồng quân bổ.
 
Điều thứ 5
Sưu thuế đã có ngạch của nhà nước. Hương hội phải theo đúng…mà quân bổ không được phân biệt đàn anh đàn em, ruộng nội canh hay ngoại canh mà bổ nhiều hay ít không đều.
 
Điều thứ 6
          Trong kỳ hội đồng ấy thì hội đồng còn bàn tính xem thu những thứ thế gì cho làng (như thuế trâu bò nhà cửa…và khoản tiền ngoại phụ thu vào quỹ làng xã là bao nhiêu để chi các việc hàng năm như là lương lý trưởng, trương tuần, tiền lộ phí, tiền giấy bút…
 
Điều thứ 7
          Trong bài bổ phải ghi rõ mỗi xuất phải chịu bao nhiêu thuế…bao nhiêu thuế điền thổ hay các thuế khác thành tiền, bao nhiêu không được làm…cả vụ thuế cho mọi người cùng biết.
 
Điều thứ 8
Khi bổ thuế xong thì lý trưởng hay phó lý trưởng hoặc tuần phu phải chức phận mà hành thu sưu thuế.
Phó lý hay các tuần phu thu được bao nhiêu phải giao cho lý trưởng đi nộp kho bạc. Khi giao tiền cho lý trưởng phải lấy biên lai làm bằng, nếu lý trưởng…thì trong phần thu người nào…đứng nhận tiền nộp kho bạc.
Thu khoản gì phải có biên lai răng cưa làm bằng. Trong biên lai thì kê đúng các khoản thuế như trong quân bổ.
 
Điều thứ 9
Muốn khỏi những sự nhũng nhiễu thì trong kỳ hạn thu thuế, các chức dịch hành thu phải ra tại đình hoặc một nơi công sở mà thu thuế chứ không được thu ở nhà. Hết hạn mà còn có người không ra tại đình hay nơi công sở để nộp thuế thì các phần thu có thể đến tận nhà người ấy mà dóc thu.
Kỳ hạn thu thuế từ ngày nào đến ngày nào thì phải chua rõ vào trong bản bổ và cho mõ rao để mọi người đều biết.
 
Điều thứ 10
          Những người nào tuy có thể nộp được mà bỏ khiếm sưu thuế thì hương lý trình quan kết nghĩ. Những người bỏ thiếu thuế sẽ không được dự tế tự trong hai năm, song những tộc biếu hay thân nhân những người ấy vẫn phải chịu trách nhiệm nộp đậy số thuế bổ thiếu.
 
Điều thứ 11
Lại còn những đứa cùng đinh bỏ làng đi tha phương cầu thực không nộp thuế. Sỗ thuế của hạng này thì cả làng phải chịu trách nhiệm mà phải đem san bổ cho các nhân đinh ở làng cùng chịu. Những hạng này thì mất hết nơi ăn chốn ngồi trong làng
Khi nào họ về làng thì họ phải nộp giả vào công quỹ số thuế bỏ thiếu mà trong khi tha vãng làng đã san thu cho họ, vả lại họ muốn chuộc lại nơi ăn chốn ngồi như trước thì phải nộp 2 đồng.
 
Điều thứ 12
          Trong khi bổ thuế thì cấm Hương Hội không được bày đặt ra ăn uống để dân đinh phải đóng góp nặng thêm ra.
 
Điều thứ 13
          Khi bổ thuế thì phải mới cả Hội đồng Kỳ Mục hội bàn quân bổ.
 
VIỆC TUẦN PHÒNG TRONG LÀNG VÀ NGOÀI ĐỒNG
MỤC ĐÍCH TUẦN PHÒNG
 
Điều thứ 14
Tuần phòng là cốt để giữ trật tự và sự trị an trong làng, giữ cho tính mạng và tài sản cho mọi người. Tuần phòng để ngăn cấm cờ bạc, trộm cướp gian lậu và những sự phá phách khác. Trong khi xảy ra việc gì hoặc thuộc về tội khinh…thì Tuần giờ phải hết sức tuần nã thủ phạm để giải trình quan cứu xét.
Tuần giò phải trông coi cẩn thận những người tình nghi bị quản thúc.
Trong khi thủy hỏa đạo tặc hay các tai nạ khác thì tuần giờ phải ứng cứu ngay.
Tuần giờ phải trông coi đê, đường, cầu, cống cùng các công tác khác của làng, hễ có khuyết liệt chỗ nào thì phải trình chức dịch để sửa chữa hay là xin quan trên để sửa chữa.
Tuần giờ phải săn sóc cả đến việc vệ sinh chung trong làng. Nếu có ai không tuân thể lệ Nhà nước hay không tuân Hương ước mà làm trái phép vệ sinh thì phải trình chức dịch nghĩ phạt. Khi nào có bệnh truyền nhiễm hay là toi súc sản mời quan trên chỉ bảo cách đề phòng thì tuần giờ phải trông coi thi hành được y.
 
Điều thứ 15
          Việc tuần phòng thì trách cứ vào phu tuần nội hương ấp, ngoại đồng điền đều phải coi cả.
 
CẮT CỬ TUẦN PHU
 
Điều thứ 16
          Phu tuần thì cứ theo lần lượt mà cắt trong những hàng đinh trong làng nghĩa là những người không có vi phạm gì từ 18 tuổi đến 50 tuổi. Phu tuần thì cắt năm một, cứ một nữa thì cát người trẻ tuổi, một nửa thì cắt người nhiều tuổi. Hết hạn thì ai muốn đi nữa cũng được.
 
Điều thứ 17
          Cứ đến tháng giêng ta thì hương lý hội họp cắt tuần, cắt xong làm thành hai bản danh sách, một bản lưu lại Hội đồng, một bản giao cho lý trưởng đệ trình quan sở tại duyệt y.
 
Điều thứ 18
          Người nào đến lượt cử tuần mà vì lẽ gì không đi thì có thể nhờ an hem bạn hữu đi thay hoặc là nộp vào công quỹ một tiền canh gác là 10 đồng cũng được.
 
Điều thứ 19
          Ngạch phu tuần trong làng có 10 người, mỗi điểm ít nhất cũng phải có 5 phu tuần, kể cả đầu mục. Những khi nào canh giờ ngặt (trong vụ thuế hay những tháng củ mật chẳng hạn) thíốtuần phải cắt tăng gấp đôi.
 
Điều thứ 20
          Khí giới canh phòng thì làng sắm cho tuần.
 
ĐIẾM CANH
 
Điều thứ 21
          Làng trích tiền công làm hai điếm canh (tùy theo địa thế mà làm to nhỏ). Điếm canh thì hoặc làm bằng gỗ hay bằng tre cũng được nhưng phải cho chắc chắn, xung quanh hào dậu cẩn thận, ngoài cửa treo một cái biển đề rõ tên làng và số điếm.
 
Điều thứ 22
          Mộ điếm phải có:
a. Một cái trống hay mõ để cầm canh hay để báo hiệu.
b. Các khí giới cần chiến đấu.
c. Những đồ dùng cứu hỏa.
d. Những đồ dùng cứu hộ thủy.
 
HIỆU LỆNH TUẦN PHÒNG
 
Điều thứ 23
          Phu tuần trong làng phải tuân theo hiệu lệnh nhất định. Hiệu lệnh dùng để gọi tuần ra điếm, hoặc để…hoặc để loan báo dân làng…?
TRÁCH NHIỆM CỦA LÝ DỊCH VÀ TUẦN TRÁNG
 
Điều thứ 24
          Cứ chập tối thì lý trưởng hoặc phó lý, Trương tuần hay đầu mục động hiệu lệnh trống mõ để gọi tuần ra điếm canh giờ. Tên tuần nào khiếm khoáng thì phải phạt 0,10 đồng
Điều thứ 25
          Tuần tráng phải chịu trách nhiệm các việc trộm cắp xẩy ra ở trong làng và ngoài đồng. Như trong làng có người nào mất trộm mà tuần tráng không xét ra được can phạm thì phải chiểu giá các đồ vật đã mất mà đền cho chủ sự một nửa. Khi phát xuất ra việc cướp trộm mà tuần tráng đã hết sức chống cự cùng quân gian thì được tha thứ.
 
Điều thứ 26
          Nhưng Lý dịch (Lý trưởng, Phó lý hay Trương tuần) cũng phải chịu trừng phạt và đền tiền như tuần tráng về các việc trộm cướp xảy ra trong địa hạt mình. Lý dịch trễ nải việc canh phòng thì quan trên sẽ nghiêm phạt.
 
Điều thứ 27
          Khi phát xuất ra trộm cướp mà người nào hoặc chức dịch hoặc tuần tráng, hoặc dân đinh bắt được một tên trộm thì làng thưởng 1đồng đến 5 dồng. Bắt được một tên cướp thì làng thưởng  từ 5 đồng đến 20 đồng.
 
Điều thứ 28
          Tuần tráng lại còn phải trông nom đồng nữa, hễ thấy ai làm hủy liệt đường khuyến nông thì trình hương hội nghĩ phạt 0,20 đồng.
 
Điều thứ 29
          Cấm không được ai tháo nước, đơm cá để cho ruộng nương khô cạn đi. Nếu ai không tuân thì phải phạt 0,20 đồng. Tuần tráng mà cung túng cho người ta tháo nước để ruộng nương khô cạn thì cũng phải phạt như vậy.
Điều thứ 30
          Ruộng nương đã gieo mạ hay đã cấy lúa rồi thì cấm không ai được chăn vịt, nếu không tuân thì phải phạt 0,50 đồng, nếu vịt phá hại lúa mạ thì lại phải đền sự chủ nữa.
 
Điều thứ 31
          Khi lúa đã tốt thì cấm không ai được chăn trâu bò ở bờ ruộng hay là dắt trâu bò qua ruộng phá hại mùa màng. Ai không tuân thì phải phạt 0,20 đồng mà còn phải đền cho người có lúa nữa.
 
VIỆC CANH PHÒNG ĐƯỜNG ĐI, CẦU CỐNG, CÔNG SỞ
 
Điều thứ 32
          Tuần tráng phải trông coi đê đường, cầu cống, sông ngòi. Chỗ nào khuyết liệt thì trình Hương Hội sửa chữa. Chúng phải ngăn giữ đừng để cho ai hoặc súc vật làm hại đê, đường, đừng cho ai đào cuốc thân đê, đừng để cho ai đào đắp sông ngòi lại để đánh cá, làm cho nước không thông. Ai không tuân thì phải phạt 0,20 đồng.
 
Điều thứ 33
          Ai cần tát nước qua đường thì phải xin phép Hương Hội trước rồi mới được ẻ đường, tát xong lại phải đắp lại như cũ, không thì phải phạt 0,20 đồng.
 
Điều thứ 34
Tuần tráng phải ngăn giữ đừng để cho người hay vật phá hại cây cối trồng hai bên đường, canh giữ đồ đạc để ở đình chùa, nhà Hội đồng, nhà trường hay các công sở khác, ngăn cấm đừng để ném đá lên tầu và các xe máy khác hay là xếp đá lên đường sắt hay canh giữ đừng để  xảy ra trộm cắp dây nói.
Ai can phạm thì tuần tráng tường ngay Hương Hội để trình quan trên cứu xét. Quan trên xét phạt đi rồi về làng những tên can phạm ấy lại còn phải truất hết ngôi thứ đình chung từ 1 đến 3 năm.
 
CANH PHÒNG VỀ VIỆC CHÍNH TRỊ VÀ TRỊ AN
 
Điều thứ 35
Tuần tráng và nhất là Hương lý phải trông coi rất cẩn thận những người bị quản thúc, những đứa bất hảo thành tích, những đứa can án  và nhất là những người cố ý phản nghịch.
Nếu người nào bị quản thúc chưa hết hạn  đã bỏ trốn thì Hương lý phải trình quan trên xét.
Nếu trong làng có những đứa bất hảo thành tích hay những đứa can án thì hương lý phải xem xét cách hành động của nó hễ thấy chúng làm điều gì khác ý thì phải trình quan trên biết.
 
Điều thứ 36
Hương lý và Tuần tráng phải kiểm soát căn cước của những người lạ mặt đến làng, người nào không có kẻ tùy thân hay là căn cước…thì phải giải trình quan trên xét.
Kiểm soát xong các điều của người lạ mặt phải biên vào một quyển sổ gọi là sổ kiểm soát những người lạ mặt đến làng.
 
CẤP CỨU
 
Điều thứ 37
          Khi khẩn cấp như là thủy, hỏa, đạo, tặc thì trừ những người dưới 16 tuổi và ngoài 60 tuổi, còn tuần tráng và nhân đinh nghe đọng hiệu đều phải ra ứng cúu, nếu không thì phải phạt từ 0,50 đến 2,00 đồng và phải truất thứ nơi đình trung từ 1 đến 3 năm. Trước hết phải cứu những người bị nạn, trông nom của cải cho họ, hết sức ngăn ngừa sự tai nạn (thủy, hỏa, đạo tặc) khỏi lan ra.
 
Điều thứ 38
Khi xảy ra các tai nạ này khác (như là nạ ô tô, nạ tầu thủy đắm thuyền chết đuối…) thì tuần tráng hoặc dân làng ai trông thấy phải lập tức ra cấp cứu người bị nạ rồi liền cho tường Hương lý để họ trình quan liêu xem có cần liệu định các cách.
Tuần tráng hay dân đinh ai trông thấy tại nạ gì xẩy ra mà không đến cấp cứu hay không báo Hương lý biết thì phải phạt từ 0,50 đến 2,00 đồng và phải truất ngôi thứ đình trung từ 1 đến 3 năm vì đã trái nhân đạo.
 
Điều thứ 39
          Ai vì cấp cứu nhà cháy hoặc đánh cướp … mà bị thương thì làng cấp tiền thuốc cho , bị thương thành tật thì làng cấp cho từ 20,00 đến 50,00 đồng và cho lên một vị thứ, nếu không may đến nỗi chết thì làng cấp cho vợ con tiền tử tuất từ 50,00 đến 100,00 đồng và các kỳ lý đều phải đi đưa đám.
 
LƯƠNG TUẦN TRÁNG
 
Điều thứ 40
Tuần tráng thì cấp lương mỗi tháng 2,00 đồng (lương tiền hay lúa sương) mỗi mấu là…bất phân nội canh hay phụ canh. Nếu cấp lương tiền thì mỗi năm hai kỳ tháng 5 và tháng 10 các điền chủ phải nộp cho thủ quỹ hay trương tuần để phát lương cho tuần tráng.
Làng có thể cho Tuần tráng vị thứ để thay vào lương cũng được.
 
NGĂN CẤM GIAN LẬN VÀ CÁC VIỆC PHI PHÁP KHÁC
 
Điều thứ 41
Những sự gì mà nhà nước có lệnh cấm như là rượu lậu, thuốc phiện lậu, cò bạc vân vân thì Hương lý và Tuần tráng phải ngăn trừ.
 
Điều thứ 42
          Nếu thấy ai làm điều gì phi pháp thì hương lý tịch biên tang vật, lập biên bản giải trình quan trên trừng phạt. Những người can phạm về làng còn phải truất ngôi thứ đình trung từ 1 đến 3 năm vì đã làm tổn thất danh dự của làng.
 
Điều thứ 43
Hương lý và Tuần tráng phải bắt giải  những người ngoaì chực đem rượu lậu hay thuốc phiện lậu vào trong làng.
 
Điều thứ 44
          Kỳ lý hay Tuần tráng  mà dung túng cho người ta làm điều phi pháp hay là biết mà không tố cáo thì phải phạt từ 1,00 đến 3,00 đồng và truất ngôi thứ từ 1 đến 3 năm.
 
Điều thứ 45
          Hương lý còn phải xem xét trong làng hoàng đinh nào đáo tuế thì kê khai vào sổ đóng sưu. Kỳ lý nào ẩn lậu đinh thì quan trên trừng phạt đã đành, về làng còn phải truất ngôi thứ từ 1 đến 3 năm.
 
VỆ SINH
 
Điều thứ 46
          Rác lớn, súc vật chết hay là các uế vật khác thì cấm không được vứt ra đường đi, không được vứt xuồng sông ngòi và nhất là không được vứt xuống ao hay giếng nước ăn, ai không tuân thì phải phạt 0,20 đồng.
 
Điều thứ 47
          Nếu trong làng phát ra chứng bệnh truyền nhiễm hay là toi súc vật thì thân nhân người bệnh hay là người có súc vật toi phải tường Hương lý để trình quan trên định liệu cách đề phòng, ai không tuân mà giấu giếm thì không những bị tội mà lại còn bị phạt từ 0,50 đén 1,00 đồng nữa.
Điều thứ 48
          Khi có người nào chết vì bệnh truyền nhiễm thì Hương lý phải hiểu bảo cho tang gia chôn cất ngay không được để lâu.
 
Điều thứ 49
          Nếu quan trên có lệnh sức chỉ bảo cách đề phòng những bệnh truyền nhiễm thì Hương lý và tuần tráng phải săn sóc ai nấy đều tuân hành y thuật
 
Điều thứ 50
          Nếu trong làng có người nào mắc bệnh điên thành nguy hiểm cho dân làng thì lý dịch phải giải trình quan trên xét cho đi nhà thương điều trị.
 
Điều thứ 51
          Nếu trong làng có người nào mắc bệnh phong thì lý dịch cũng phải giải trình quan trên xét. Nếu người mắc bệnh phong được phép ở nhà điều dưỡng thì Hương lý phải trông coi đừng để cho người bệnh giao dịch với dân làng để khỏi truyền nhiễm.
 
KIỆN CÁO
 
Điều thứ 52
          Trong làng ai có kiện cáo về dân sự hay thượng sự thì trước hết phải trình Hương lý hòa giải.
 
Điều thứ 53
          Khi Chánh Hội tiếp ai trình thì lập Hội đồng để hòa giải hai bên, nếu hòa giải xong thì giao lý trưởng lập biên bản trình quan sở tại.
 
Điều thứ 54
          Nếu hòa giải bất thuận mà Hương hội vì nguyên bị phải đi làm chứng trước tòa thì người thua kiện phải đền tiền lộ phí.
 
Điều thứ 55
          Trong làng cấm không ai được cãi cọ đánh đấm nhau, ai gây sự cãi cọ đánh đấm nhau thì phải phạt 0,20 đồng.
 
Điều thứ 56
          Nếu cãi cọ đánh đấm nhau to tát thì Hương Hội lập biên bản giải trình quan trên xét xử.
 
NGỤ CƯ VÀ KÝ TÁNG
 
Điều thứ 57
          Chỉ những người có căn cước minh bạch và nghề nghiệp đích đáng thì mới được ngụ cư trong làng.
 
Điều thứ 58
          Người ngụ cư thì phải nộp vào công quỹ một số tiền để đăng tịch. Nếu không cho vào việc làng hàng năm thì không phải nộp.
 
Điều thứ 59
          Người thiên hạ mà muốn ký táng ở đồng điền của làng, dù mua đất tư của ai cũng mặc thì cũng phải xin phép Hương lý trước đã và phải nộp tiền kiểm cố vào công quỹ là 3,00 đồng.
 
Điều thứ 60
          Ai trước ký tàng mà nay cải táng cũng phải trình hương lý biết, nếu không thì phải phạt 0,50 đồng.
 
PHƯỜNG, HỌ, HỘI THÓC, HỘI TIỀN ĐỂ TỰ GIÚP NHAU
 
Điều thứ 61
          Những phượng họ hội thóc, hội tiền để cho vay hay tự giúp nhau…nếu các chân hội không quá 19 người thì có thể tự họ thành lập và hành động như thường. Những cái hội, trưởng hội, trưởng phường cùng các chân hội phải kê tên các người trong phương trong hội đưa tường Hương lý biết đại khái mục đích cách hành động của phường hội thế nào. Nếu dự kiến lập hội đông quá 19 người thì phải thảo điều lệ xin phép đưa quan trên duyệt y thì mới được thành lập và hành động.
 
Phần thứ hai: CÁC TỤC LỆ RIÊNG
 
HÔN LỄ
 
Điều thứ 62
Cưới xin ngày trước có 6 lễ, nay chỉ theo có 3 lễ:
1. Lễ vấn danh hay còn gọi là lễ Dạm vợ. Lễ này là lần đầu hai bên cha mẹ hội kiến để nói chuyện và để so sánh tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ của con mà định việc hôn nhân của đôi trẻ. Lễ vật thì hoặc chè cau bánh trái đáng giá độ vài ba đồng.
2. Lễ ăn hỏi hôm này thì nhà trai cho chú rể cùng bà con sính lễ sang nhà gái. Hôm ấy chú rể đi lễ nhà thờ  cùng là ra mắt họ hàng nhà vợ, hai bên thông gia định ngày cưới và thách cưới. Lễ vật thì tùy theo nhà giầu nghèo nhưng đáng giá từ 3,00 đến 20,00 đồng
3. Lễ cưới; Hôm đó chú rể đi cùng ông thân sinh và bà con mang sính lễ cùng tiền nong sang nhà gái đón dâu. Bên nhà gái cũng cho bà con đem dâu về nhà chồng. Lễ vật và tiền nong thì tùy tho nhà giầu nghèo nhưng tất cả đáng độ từ 10,00 đến 20,00 hay 30,00 đồng.
 
Điều thứ 63
          Chăng dây đám cưới thì cấm chỉ, ai không tuân hoặc thủ xướng hoặc can phạm thì phải phạt 5,00 đồng vì đã phạm đến mỹ tục của làng.

Điều thứ 64
          Trước hôm cưới 5 ngày thì hai bên thông gia phải nộp cheo vào quỹ. Cheo nội, cheo ngoại từ 0,50 đến 5,00 đồng. Hai bên thông gia còn phải theo lệ luật mà khai giá thú cho con với thư ký hộ tịch.
 
Điều thứ 65
          Trong làng ai thông dâm đàn ông hoặc đàn bà thì phải phạt 2,00 đồng mà còn phải bị truy tố không kể.
 
Điều thứ 66
          Người nào có con gái chửa hoang thì phải phạt 3,00 đồng, bố mẹ người thông gian cũng phải phạt như người có con gái. Thông gian lại có thể bị truất ngôi thứ  trong hai năm.
 
TANG LỄ
 
Điều thứ 67
          Các tục bắt buộc tang gia phải cỗ bàn mời dân ăn khi cha mẹ về già thì nay cấm chỉ.
 
Điều thứ 68
          Nhưng tang gia thì được tùy ý làm cỗ bàn đãi thân bằng cố hưu đến đưa đám hay thăm viếng chứ không ai cấm đoán hoặc bắt buộc gì cả.
 
Điều thứ 69
          Kỳ lý hoặc dân lành ai mà hạch schs tang gia sửa cỗ bàn xem xét quả thực thì phải phạt 3,00 đồng và phải truất ngôi thứ trong 2 năm.
 
Điều thứ 70
          Ai có cha mẹ về già thì tùy ý xếp đặt các lễ nghi trong nhà như lễ thành phục, tế ngu vân vân…cũng tùy ý tang gia hoặc mới giáp gốc mình hoặc mới cả làng đưa đám cũng được. Khi ấy thì tùy theo hoặc trong giáp hoặc hương hội phải cắt phu được trợ cônghay đồ tùy để đi hộ tống cho. Nhưng người nghèo không thể mời giáp, mời làng thì cùng tùy ý mà bà con bạn hữu đưa với nhau.
 
Điều thứ 71
          Lệ đám ma thì định như sau: hạng nhất: 10, 00 đòng, hạng nhì 5.00 đồng, hạng ba 2,00 đồng. Ai mời làng thì đưa hạng nhất, ai mời lại ba giáp thì nộp hạng nhì, ai mời giáp gốc mình thì nộp hạng ba. Nhưng người nghèo thì được miễn tiền nộp lệ. Tùy theo từng lệ nhất, nhì, ba  ai nộp hạng nào thì hoặc hàng giáp, hoặc hai, ba giáp hoặc Hương Hội, kỳ Dịch phải đi đưa đám cho được trọng thể.
 
Điều thứ 72
          Khi có người nào chết thì trong ba ngày phải chôn. Nếu chết về bệnh truyền nhiễm thì nội nhật phải chôn ngay.
 
QUÂN CẤP CÔNG ĐIỀN CÔNG THỔ
 
Điều thứ 73
Làng không có công điền quân cấp
 
Điều thứ 74
          Những vườn đất làm đình chùa hay là những chỗ đất làm đình chùa thì giao cho thủ từ, thủ tự trông nom.
 
Điều thú 75
          Những hồ ao sông ngòi…không thể quân cấp được thì hàng năm phải đem đấu cố lấy tiền sung vào công quỹ. Khi đấu cố phải lập biên bản làm bằng chứng.
 
Điều thứ 76
          Làng có những tự điền sau: 1 mẫu ruộng thần, 27 mẫu ruộng Phật tự, không có ruộng hậu, có 4 mẫu ruộng tư văn. Những ruộng này giao cho ai quản cố thế nào, lấy hoa lợi làm gì thì mục tế tự sau này sẽ nói rõ.
 
Điều thứ 77
          Nếu làng có phiếu Quốc trái thì kê rõ là mấy phiếu và giao cho ai giữ, lãi Quốc trái phải sung vào công quỹ (Làng không có Quốc trái). 
 
Điều thứ 78
          Vị trí đình chung thì tùy theo chức tước, phẩm hàm hay văn bằng tùy người mà cắt đặt. Bảng đối kê vị thứ phụ đính trong hương ước này có thể làm mẫu để xếp đặt các vị thứ ở trong đình.
 
Điều thứ 79.
          Khi có việc gì công ích phải chi tiêu nhiều thì Hương Hội có thể bán vị thứ để lấy tiền chi dùng, nhưng chỉ có những vị thứ trong Hương thôn thì mới có thể bán được thôi, trước khi bán phải xin phép quan trên y chuẩn mới được. Bán vị thế mà không xin phép thì coi như không vậy.
 
Điều thứ 80
          Bán bao nhiêu vị thứ, những vị thứ gì, và mỗi vị thứ bao nhiêu thì khi nào đến Hương hội sẽ họp bàn định rồi kê rõ vào đơn xin phép.
 
Điều thứ 81
          Khao nghĩa là làm cỗ mới dân làng hay là kỳ dịch ăn mừng được bổ sung công chức, tuyển cử vân vân. Khao thì có thể nộp tiền thế khao theo như bản kê phụ đính trong hương ước này cũng được như người nào đã có chức phận gì ở trong làng thì đều phải khao thì mới được vị thứ trong đình.
 
Điều thứ 82
          Người nào trước có dịp khai rồi hoặc làm cỗ mới dân, hoặc nộp tiền công quỹ cũng vậy mà sau lại được thăng hàm hay thăng chức thì không phải khao nữa. Nhưng muốn làm rượu mời dân làng bạn hữu cũng mặc ý.
 
Điều thứ 83
          Tiền vọng tức là tiền nhập tịch mà người nào đã có vị thứ trong đình đều phải nộp. Tiền vọng thì bắt buộc phải nộp và chiểu theo bản đối kê phụ đính theo hương ước này.
 
Điều thứ 84
          Người nào trước đã có dịp gì nộp tiền vọng rồi sau lại thăng hàm thì không phải vọng nữa. Những người nào thăng chức được nhấc lên hàng trên thì phải đổi tính số tiền vọng trước với số tiền vọng lên chức mới này mà nộp bù.
 
Điều thứ 85
          Lên lão thì không phải nộp tiền gì cả. Nhưng người nào muốn sửa lễ yết thần, cỗ bàn mời thân bằng Kỳ Lý cũng mặc ý không ai bắt buộc.
 
TẾ TỰ
 
Điều thứ 86
          Làng có 1 đình, 1 chùa (chùa Tiên tự), 1 miếu, 2 lăng.
 
Điều thứ 87
          Đình hàng năm có 1 sự lệ chính là lệ vào đám, tế lễ từ 10 đến 20 tháng 10 Annam.
 
Điều thứ 88
Lệ vào đám chỉ đến 7 ngày là cùng.
Điều thứ 89
          Trầu rượu, hương đăng những ngày sóc vọng thì thủ từ, thủ tự phải chu biện, làng đã có ruộng giao cho giao cho cày cấy mà chi dụng vào đấy.
 
Điều thứ 90
          8 mẫu ruộng thần từ hằng năm trích ra 1 mẫu giáo sái – mõ cày cấy lấy hoa lợi ăn quanh năm quét tước đình. Còn 7 mẫu chia về 3 giáp: “Giáp nhất là giáp nhiều người nhất 3 mẫu 5 sào, giáp Nhì 1 mẫu 7 sào rưỡi, giáp Ba 1 mẫu 7 bào rưỡi. Hằng năm, giáp nào giao luôn thứ tế đám giáp ấy, cày cấy lấy hoa lợi sửa lễ vào đám, và đèn hương hoa nghi các ngày sóc vọng quanh năm ở đình, miếu và lăng, sửa lễ cúng Thượng nguyên ở đình tại ngày 1-2 tháng 1 Annam. 5 mẫu, 2 sào ruộng thật tự, hằng năm giao thủ tự cày cấy lấy hoa lợi sử biện đèn hương các ngày sóc vọng quanh năm ở chùa và sửa lễ cúng thượng nguyên đêm mồng 3 tháng 2 Annam. 7 mẫu ruộng tư văn hằng năm giao luân thứ 2 người chính tế cày cấy lây hoa lợi sử lế tế tiên hiền, mỗi năm 2 kỳ, 1 người sửa kỳ ngày 15 tháng 2, 1 người sử kỳ ngày 15 tháng 9 Annam.
 
Điều thứ 91
          Ai đến lượt đang cai hay tế đám thì làng phải giao cho một số tiền hoặc là ruộng lệ để cầy cấy lấy lời mà chu biện lễ vật. Ai đến lượt đang cai hay tế đám mà không muốn làm thì có thể nộp tiền chuộc lệ là 4 đồng.
 
Điều thứ 92
          Đăng cai tế đám thì cứ lần lượt cắt người trong giáp đảm nhận, hoặc cắt theo tuổi, hoặc cắt theo thứ tự ngày vào hàng giáp.
Điều thứ 93
          Làng có 13 vị Hậu đều là Hậu nữ, quy kỹ mỗi năm 3 kỳ là: ngày 15 tháng tư, tháng 8, tháng 10 hằng năm. Tên các vị hậu kê sau đây:
1. Phạm Quý Công tự Thuần Trung
2. Nguyễn Thị Hiệu Từ Đạt
3. Phạm Đình Thụ
4. Đồng Thị Hiệu Từ Loan
5. Đinh Công tự Phúc Thao
6. Đồng Thị Hiệu từ Bá
7. Đồng Quý Công tự Phúc Hưng
8. Nguyễn Quý Công tự Thuần Oánh
9. Vũ Thị Trại hiệu Từ Ninh
10. Nguyễn Quý Công tự Phúc Đường
11. Nguyễn Thị Hiệu từ Miện
12. Nguyễn Thị Hiệu từ Huy
13. Nguyễn Thị Hiệu từ Xanh
 
Điều thứ 94
          Làng có 13 vị hậu, vị nào bao nhiêu ruộng kê dưới đây:
1. Phạm Quý Công tự Thuần Trung: 6 sào
2. Nguyễn Thị Hiệu từ Đạt: 6 sào
3. Phạm Đình Thụ: 6 sào
4. Đồng Thị Hiệu từ Loan: 6 sào
5. Đinh Công tự Phúc Thao: 6 sào
6. Đồng Thị Hiệu từ Bá: 6 sào
7. Đồng Quý Công tự Phúc Hưng: 6 sào
8. Nguyễn Quý Công tự Thuần Oánh: 5 sào
9. Vũ Thị Trại hiệu Từ Ninh: 5 sào
10. Nguyễn Quý Công tự Phúc Đường: 5 sào
11. Nguyễn Thị Hiệu từ Miện: 5 sào
12. Nguyễn Thị Hiệu từ Huy: 5 sào
13. Nguyễn Thị Hiệu từ Xanh: 5 sào
Cộng 7 mẫu 2 sào
Hằng năm bán đấu cố lấy tiền cúng hậu.
 
Điều thứ 95.
          Mệnh bái thì cắt cử người có phẩm hàm chức tước cao, văn xướng thì cắt đương thứ lý trưởng, thông xướng thì cắt người có chân cựu dịch như phó lý trưởng, chánh phó hội.
 
Điều thứ 96
          Đệ niên kỳ giỗ hậu tại ngày 15 tháng 4 Annam có giết lợn thì dân biếu: Chánh hội nửa cái sỏ, còn nửa cái thì biếu các cụ lão từ 50 tuổi trở lên. Kỳ giỗ Hậu tháng 8 cúng có giết lợn thì dâng biếu: Lý trưởng nửa cái sỏ, còn nửa cái thì biếu các cụ lão từ 50 tuổi trở lên. Kỳ vào đám tháng 10 cúng có giết lợn thì dân biếu các cụ lão từ 50 tuổi trở lên 1 cái sỏ.
          Biếu các quan viên hành lễ từ manh bái trở xuống 1 cái lăm./.
 
Nay thừa khai
Chí Linh 02-10-1942
Lý trưởng

Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây