Dòng họ trong đời sống làng xã hiện nay

Thứ tư - 13/07/2016 23:54
Hiện nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, dòng họ vẫn là một kiểu tổ chức xã hội có tác động chi phối đến nhiều lĩnh vực khác nhau của làng xã. Từ ngày đổi mới thì dòng họ dường như bị chìm lấp trong thời kỳ hợp tác hóa lại được phục hưng mạnh mẽ và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước nói chung, nhất là ở nông thôn
Dòng họ trong đời sống làng xã hiện nay
1. Đặt vấn đề

Dòng họ là một hiện tượng lịch sử xã hội có tính phổ quát toàn nhân loại và liên thời đại. Có thể nói việc liên kết theo nhóm huyết thống là một trong ba hình thức tập họp sớm nhất trong lịch sử loài người. So với nhiều hình thức liên kết khác như cư trú (đô thị, làng xóm…), lợi ích (giai cấp, phường hội…) v.. v… thì liên kết dòng họ vẫn là hình thức có vai trò chi phối cá nhân ở nhiều lĩnh vực và nhiều mức độ khác nhau.

Ở Việt Nam, dòng họ mang nhiều nét đặc thù so với các nước khác trên thế giới. Một trong những nét nổi bật nhất là quan hệ giữa dòng họ và làng xã. Họ không tách biệt, đối lập với làng mà luôn có sự gắn bó chặt chẽ với làng. Dòng họ không chỉ là một thiết chế xã hội mà còn là một môi trường văn hóa mang tính đặc thù. Truyền thống của dòng họ trở thành nhân tố cơ bản góp phần tạo nên truyền thống làng xã, truyền thống địa phương và dân tộc. Nhiều nhân vật kiệt xuất đã mang lại vinh quang cho gia đình, dòng họ, dân tộc được sinh ra từ những dòng họ khác nhau. Do vậy, dòng họ và văn hóa dòng họ còn là nhân tố nội sinh thúc đẩy sự phát triển văn hóa và xã hội Việt Nam.

Hiện nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, dòng họ vẫn là một kiểu tổ chức xã hội có tác động chi phối đến nhiều lĩnh vực khác nhau của làng xã. Từ ngày đổi mới thì dòng họ dường như bị chìm lấp trong thời kỳ hợp tác hóa lại được phục hưng mạnh mẽ và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước nói chung, nhất là ở nông thôn. Vì thế đã có nhiều cuộc hội thảo (như cuộc hội thảo “Dòng họ với truyền thống dân tộc” do hiệp hội UNESCO thông tin các dòng họ phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 7 tháng 4 năm 1996; cuộc hội thảo “Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An với sự nghiệp thực hiện chiến lược con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI” do Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Nghệ An, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Nghệ An, Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia phối hợp tổ chức tại thành phố Vinh trong hai ngày 4 và 5 tháng 3 năm 1997), nhiều bài báo hay công trình nghiên cứu về vấn đề này (như công trình Quan hệ dòng họ ở châu thổ sg 
Hồng của Mai Văn Hai và Phan Đại Doãn, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 2000). Tuy nhiên, theo chúng tôi, các báo cáo tham gia hội thảo hoặc các công trình đã công bố, hoặc chỉ mới dừng lại ở cách đặt vấn đề, hoặc mới tiến hành khảo sát ở một vài địa bàn trên vùng châu thổ sông Hồng. Chính vì thế vấn đề dòng họ và quan hệ dòng họ cần được đi sâu nghiên cứu.

2. Từ sự phục hưng dòng họ đến các quan niệm khác nhau về ảnh hưởng của quan hệ dòng họ đối với cộng đồng làng xã

Có thể nhận định rằng: Một thời gian dài, trong tầng lớp cán bộ của chế độ mới ít nhiều đã có sự lơi là vấn đề gia tộc do sự nhận thức chưa đầy đủ về nó. Nhiều người đơn giản nghĩ rằng gia tộc và chế độ gia trưởng là nét đặc trưng của chế độ phong kiến, đã thủ tiêu chế độ phong kiến thì phải thủ tiêu chế độ gia trưởng, trong trường hợp này đó là dòng họ.

Tuy nhiên từ khi tiến hành đổi mới đất nước đến nay, xu hướng trở về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt dòng họ diễn ra sôi nổi. Thể hiện rõ nhất của xu hướng này trước hết là việc chấn chỉnh lại nghi lễ thờ cúng tổ tiên mà trước đây có phần sao nhãng. Cùng với việc chấn chỉnh nghi lễ thờ cúng tổ tiên là việc sửa chữa, trùng tu, xây mới nhà thờ, mồ mả tổ tiên, đề nghị nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia cho các nhà thờ các vị có công với nước (như ở Quỳnh Đôi có ba nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia), tiếp đến là việc dịch ra tiếng Việt, sưu tầm viết lại các gia phả, truy tìm gốc tích tổ tiên ở các nơi. Rồi lập quỹ khuyến học khuyến tài, viết lại tộc ước để chấn chỉnh gia phong, viết lịch sử dòng họ và in sách về dòng họ, lập ban cán sự dòng họ để giáo dục con cháu truyền thống dòng họ…. Những hoạt động này đang trở thành nhu cầu thực sự của cuộc sống hôm nay trong các cộng đồng làng xã.

Có thể nói rằng, có ba nguyên nhân chính tạo nên sự phục hưng dòng họ:

Thứ nhất là sự khẳng định vai trò kinh tế của hộ gia đình trong xã hội nông thôn. Sự khẳng định vai trò của hộ gia đình là cơ sở quan trọng cho sự phục hưng dòng họ bởi vì hộ gia đình nông dân khó có thể tồn tại độc lập nếu như thiếu đi cơ cấu và quan hệ dòng họ, làng xã.

Thứ hai: Trong xu thế vận động của đổi mới, của sự phát triển kinh tế nhiều thành phần, cần một thế tĩnh để cân bằng và tạo ra sự điều hòa trong mỗi con người. Trước những thay đổi, biến động của đời sống xã hội, mỗi người cảm thấy cần có chỗ dựa tinh thần để ổn định đời sống. Như vậy, dòng họ còn là cơ sở của tình máu mủ ruột rà của đạo thờ cúng tổ tiên, với các phong tục và nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh, đã trở thành chỗ dựa tinh thần, đã củng cố nghị lực và niềm tin cho nhiều người trong cuộc sống.

Thứ ba: Những chính sách đúng đắn của Nhà nước trong việc phục hưng các giá trị văn hóa dân tộc đã tạo nên niềm tin, sự phấn khởi trong mỗi người khi phục hồi lại những giá trị văn hóa của dòng họ, của cha ông. Bởi vì những giá trị văn hóa cha ông không chỉ mang lại niềm tự hào cho mỗi người mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc lối sống văn hóa.

Tuy nhiên về vai trò của dòng họ đối với đời sống văn hóa làng xã cũng có nhiều ý kiến khác nhau, bên cạnh tích cực có cả tiêu cực. Nhiều tác giả đã nhận xét rằng sự phục hưng dòng họ hiện nay kéo theo những tiêu cực thời trước cùng sống lại. Đó là việc nặng về cúng tế cỗ bàn xôi thịt, chú trọng xây nhà thờ mà nhẹ về giáo dục đạo đức tình cảm, nhiều hủ tục trỗi dậy huy động sức dân quá lớn và việc làm cỗ bàn ảnh hưởng đến đời sống, có nơi thu chi không minh bạch gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ. Tính độc đoán gia trưởng đưa đến sự áp đặt mệnh lệnh, trái với xu hướng dân chủ hóa đang diễn ra ở xã hội chúng ta ngày nay.

Quan tâm đến vấn đề này, trong cuộc khảo sát, chúng tôi đã tìm hiểu ảnh hưởng của dòng họ đến một số khía cạnh của đời sống văn hóa làng xã. Bởi vì nội dung của văn hóa làng xã rộng lớn nên bài viết chỉ đề cập đến một số khía cạnh chủ yếu, nhưng theo chúng tôi cũng đủ để nhìn nhận vai trò của dòng họ đối với việc xây dựng lối sống văn hóa ở cộng đồng làng xã.

3. Dòng họ với việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn

Xu thế toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường hiện nay đã tạo dựng cho thế hệ trẻ nhiều giá trị quan trọng để bước vào nền kinh tế thị trường. Đó là sự nhạy bén, tiếp thu cái mới tất nhanh, có đầu óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là trong lớp trẻ có xu hướng tỏ ra thờ ơ với truyền thống văn hóa cha ông. Trong bối cảnh như vậy, sự phục hưng dòng họ với việc phát huy các giá trị văn hóa của dòng họ để giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn là điều rất cần thiết. Thực hiện chiến lược con người trong thế kỷ, trước hết phải giáo dục thế hệ trẻ sống xứng đáng với truyền thống văn hóa cha ông. Trong đó, việc thờ cúng tổ tiên có tác dụng lớn nuôi dưỡng ý thức hướng về cội nguồn.

Trong cuộc khảo sát tại làng Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào tháng 8 năm 2000, với câu hỏi: “Theo ông (bà, anh, chị…), việc thờ cúng tổ tiên, những người đã khuất cần thiết như thế nào?”

Kết quả là có 71,3% trả lời rất cần thiết, 24,7% trả lời cần thiết, 3% trả lời bình thường, 0,3% trả lời không cần thiết, 0,7% có ý kiến khác. Như vậy, hầu hết người được hỏi đều đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên. Đối với người Việt Nam, ý thức thờ cúng tổ tiên đã tạo dựng ý thức thường trực về về gia phong. Học giả Phan Ngọc trong tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam” (do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 1998) đã nhận xét rằng: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không phải là tín ngưỡng đầu tiên của Đông Nam Á nhưng ở Việt Nam có hiện tượng mọi tín ngưỡng tôn giáo đều lấy nó làm nền tảng. Không những Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo mà những đạo mới lập nên trong thê kỷ này như Cao Đài, Hòa Hảo đều lấy nó làm nền tảng. Ngay cả đạo Thiên Chúa, tuy theo nguyên lý chỉ thờ Chúa, các gia đình Thiên Chúa giáo vẫn tổ chức những ngày giỗ tổ tiên, vẫn mời những người thân đến dự. Ngay tại địa bàn khảo sát, điều này cũng thể hiện rõ. Một số xã Công giáo toàn tòng gần Quỳnh Đôi cũng đã về Quỳnh Đôi nhận h, lễ tổ. Hàng năm, đến kỳ xuân tế, các gia đình trong làng Quỳnh Đôi làm cỗ tế, còn các gia đình Công giáo ở các làng khác cũng góp tiền về Quỳnh Đôi để làm lễ giỗ tổ tiên.

Có thể nhận định rằng thờ cúng tổ tiên không có gì là mê tín cả. Cho dù theo tôn giáo nào thì mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, cha mẹ nuôi khôn lớn, đó là điều chắc chắn. Bởi vậy ai cũng phải biết ơn cha mẹ, ông bà, phải tổ chức những buổi lễ có anh em họ hàng cùng tham dự để nhớ ơn ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Với tư cách là con người biết ơn, mỗi người phải nuôi dưỡng cha mẹ khi còn sống, lo tang ma, chăm lo mồ mả khi chết. Điều đó không chỉ khẳng định một người là thành viên của gia đình, của dòng họ mà còn nói lên rằng họ phải lo kế tục trách nhiệm tiền nhân để lại với làng, với nước.

Hàng năm tại Quỳnh Đôi vào kỳ xuân tế, cả làng tổ chức trọng thể ngày lễ hướng về cội nguồn. Con cháu khắp mọi nơi rời bỏ cương vị xã hội của mình quay về với cương vị thành viên của dòng họ để tưởng nhớ về tổ tiên đã sinh ra mình. Để rồi khi xong tế lễ, họ quay về với ruộng đồng, hay rời làng ra đi với tâm niệm phải sống xứng đáng với cha ông.

Nhiều nhà nghiên cứu còn băn khoăn rằng tâm lý của đa số lớp trẻ hiện nay đều xem việc sinh hoạt dòng họ chỉ đơn thuần là việc thắp hương thờ cúng tổ tiên để anh em trong họ biết mặt nhau, việc đi sinh hoạt dòng họ chỉ là đi nghĩa vụ với tổ tiên, chưa chú ý học hỏi truyền thống văn hóa của dòng họ mình. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận được sự giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn rất sâu sắc qua mỗi kỳ xuân tế cũng như các dịp tế lễ khác của mỗi dòng họ.

Trong mỗi kỳ xuân tế, kết hợp với việc tế lễ tổ tiên, các bậc cha chú còn ôn lại truyền thống dòng họ cho con cháu bằng cách nhắc lại công đức của các vị tiền nhân, đọc lại những bài tựa, bài ký răn dạy con cháu ý thức về cội nguồn. Điều này có giá trị lớn trong xây dựng nhân cách cho mỗi thành viên.

Quan tâm đến vấn đề này trong cuộc khảo sát chúng tôi đua ra câu hỏi: “Theo ông (bà, anh, chị…), việc giáo dục truyền thống dòng họ cho con cháu có ý nghĩa như thế nào?”. Kết quả là có 88,3% cho rằng giáo dục truyền thống dòng họ cho con cháu giúp con cháu thấy được công lao tổ tiên, 92,7% cho rằng giúp con cháu củng cố ý thức uống nước nhớ nguồn, 82,7% cho rằng xây dựng lòng tự hào về dòng họ cho con cháu, 80,7% cho là nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong quan hệ dòng họ, 87,7% cho là giúp con cháu sống xứng đáng hơn với cha ông và 73,7% ý kiến trả lời cho rằng giáo dục truyền thống dòng họ tạo nên cố kết chặt chẽ hơn quan hệ dòng họ. Với những số liệu trên, chúng ta có thể nhận định rằng cúng tế tổ tiên kết hợp với giáo dục truyền thống dòng họ đã góp phần xây dựng nên nhiều nét đẹp của nhân cách. Uống nước nhớ nguồn là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ Việt Nam. Dân tộc ta với “trăm họ” luôn có tâm niệm lá rụng về cội, lấy việc thờ cúng tổ tiên làm thành tín ngưỡng riêng của từng gia đình, dòng họ, tạo nên nét độc đáo của cả dân tộc. Trong bối cảnh của sự giao thoa văn hóa hiện nay, xu hướng mất gốc đang là nguy cơ, đặc biệt là đối với một bộ phận của lớp trẻ, thì việc phục hưng của dòng họ đã có ý nghĩa lớn chống lại nguy cơ đó. Mỗi bàn thờ trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ là một nơi giáo dục, răn dạy con cháu trong họ, trong làng làm người tốt cho xã hội. Từ những truyền thống dòng họ ấy, ngày nay chúng ta có phong trào uống nước nhớ nguồn, mọi tầng lớp ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ những người khó khăn, mồ côi, neo đơn. Đó chắc chắn là vai trò to lớn của dòng họ trong việc xây dựng nhân cách cho mỗi thành viên.

Tóm lại, với những phân tích ở trên, chúng ta có thể nhận định rằng dòng họ có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên cũng cần thận trọng với việc thờ cúng nếu nó được đẩy lên quá mức sẽ tạo nên những tác động không tích cực.

4. Dòng họ với việc giáo dục truyền thống hiếu học, trọng đạo lý, gia phong

Cộng đồng dòng họ tạo nên một khía cạnh của bản sắc văn hóa dân tộc. Ý thức dòng họ là nét văn hóa đặc sắc bao trùm lên vấn đề dòng họ. Vì truyền thống dòng họ người ta phải sống như thế nào cho xứng với truyền thống cha ông, trước hết là trong đối xử với những người cùng máu mủ. Tình cảm dòng họ là một loại tình cảm tự nhiên và thiêng liêng nảy sinh từ quan hệ máu thịt nên cách ứng xử của người trong dòng họ với nhau bao giờ cũng khác với “người dưng”, “người ngoài”. Bởi vậy, trong cuộc khảo sát, với câu hỏi: “Có quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ông (bà, anh, chị…) thấy điều đó còn đúng trong giai đoạn hiện nay nữa không?”. Kết quả có đến 95,7% cho rằng trong giai đoạn hiện nay, quan niệm trên vẫn còm đúng. Như vậy chúng ta có thể nhận định rằng: Quan hệ dòng họ là chỗ dựa tinh thần của mỗi cá nhân trong dòng họ. Với nó người ta không cảm thấy bị đứt đoạn với các tiền nhân, với cội nguồn và không cảm thấy bơ vơ giữa cuộc đời, giữa xã hội. Mối quan hệ gia đình và dòng họ là nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển nhân cách, trong đó có nếp sống, nếp ứng xử giao tiếp giữa cá nhân và xã hội. Dòng họ còn là nơi hội tụ và bảo lưu những giá trị văn hóa độc đáo, không chỉ để lại những dấu ấn trong lịch sử mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống hôm nay. Giá trị văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở tình nghĩa sâu nặng giữa những người cùng huyết thống, gắn bó với nhau theo quan niệm đơn giản “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “trên kính dưới nhường”, “chị ngã em nâng”, “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, “anh em vì tổ vì tiên, không ai anh em vì tiền vì gạo”, tạo thành một sức mạnh truyền thống góp phần xây dựng nên “thuần phong mỹ tục”, “trên thuận dưới hòa”, “ngoài êm trong ấm”. Đó là cơ sở cho tình yêu quê hương đất nước. Bởi vậy có đến 79,3% số người được hỏi cho rằng tất tự hào và 19,3% cho rằng tự hào khi trong họ mình có nhiều người có công với cách mạng. Rõ ràng, dòng họ không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi người dân mà còn là cơ sở của truyền thống yêu nước. Trong đó, niềm tự hào về dòng họ có nhiều người có công với đất nước là một minh chứng cụ thể.

Người trong một dòng họ thường có chung môt niềm tự hào, niềm vinh dự về dòng họ mình cũng như luôn chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn. Họ tự hào về dòng họ mình to lớn, dài lâu, trong họ có nhiều người đỗ đạt trong thi cử, thăng tiến trên con đường công danh.

Có thể nhận định rằng: Tinh thần hiếu học là nét độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, của mỗi dòng họ nói riêng. Họ nào cũng tôn trọng, đề cao việc học, tập quán tôn trọng nhân tài, tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để lại một truyền thống đẹp: “Cho con ba chữ không thua em kém chị”. Nhờ vậy có những gia đình, dòng họ dù nghèo khó đến đâu cũng cho con ăn học. Nhiều dòng họ dù “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa” nhưng “Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”. Việc giáo dục truyền thống hiếu học ở Quỳnh Đôi được tiến hành rất mạnh mẽ. Tất cả các dòng họ đều có ban khuyến học và quỹ khuyến học của dòng họ. Đánh giá về vấn đề này, có 46,7% số ý kiến trả lời cho rằng việc lập quỹ khuyến học của dòng họ là rất cần thiết, 49,0% cho là cần thiết, 4,0% cho là không cần thiết, 0,3% có ý kiến khác. Như vậy, hầu hết những người được phỏng vấn đền đánh giá cao việc thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ. Hơn nữa, trong các quyển sử của các dòng họ đều chứa đựng tinh thần hiếu học sâu sắc, chẳng hạn mở đầu quyển sử của họ Dương ở Quỳnh Đôi là câu đối “Thế xuất khoa bảng – Thanh bạch môn phong” (Nếp nhà thanh bạch – Đời có khoa danh). Trong các quyển sử của hầu hết các dòng họ đều có phần “Khoa danh trường biên”, đây là phần ghi thành tích học hành khoa bảng của các cá nhân ở nhiều thế hệ khác nhau. Một số dòng họ còn xây cả bia trong khuôn viên nhà thờ gọi là “Bách danh đài” để ghi tên những người có công lao đối với đất nước, có công lao đối với làng xóm, dòng họ, có thành tích nổi bật trong học hành khoa bảng đã làm rạng danh cho dòng họ, làng xóm, đất nước.

Mỗi năm, trong kỳ xuân tế hoặc kết thúc năm học, trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, các dòng họ tổ chức báo cáo thành tích học hành của con em dòng họ trong năm đó và phát phần thưởng cho con em học hành giỏi, nhắc nhở con cháu gắng sức học hành để ngày một làm rạng danh thêm truyền thống dòng họ. Những buổi lễ như thế có giá trị to lớn chẳng khác gì buổi lễ phát phần thưởng trong dịp tổng kết năm học ở nhà trường. Nó nuôi dưỡng ý thức thường trực về việc học, thậm chí còn coi việc học là một nghề. Những dẫn chứng đó cho thấy dòng họ có vai trò to lớn trong giáo dục truyền thống hiếu học.

5. Kết luận

Nhận thức về vai trò của dòng họ trong sự phát triển của xã hội Việt Nam đương đại là một vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết dựa trên một nghiên cứu trường hợp tại một địa bàn cụ thể ở Bắc Trung bộ, chúng tôi muốn quan tâm đến hai khía cạnh tích cực của quan hệ dòng họ trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, lối sống văn hóa. Bởi vì đó là nội dung cơ bản nhất trong nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân. Từ nhiều năm nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được phát triển sâu rộng trong nhân dân. Bởi vì ngày càng nhiều người nhận thức được rằng: Gia đình là nơi giữ gìn, phát huy tốt nhất các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Việc phát huy truyền thống văn hóa dòng họ sẽ có nhiều tác động tích cực đến xây dựng gia đình văn hóa nói riêng, làng văn hóa nói chung. Gia đình nào cũng nằm trong một dòng họ, nếu biết đặt mình vào trong truyền thống văn hóa dòng họ, biết giáo dục con cháu hướng về cha ông, tổ tiên, biết giữ đạo lý gia phong của dòng họ, thì gia đình đó sẽ có nếp sống văn hóa. Nếu gia đình nào tách rời dòng họ, sống biệt lập với gia đình khác trong họ hàng thân tộc thì khó mà trở thành gia đình có nếp sống văn hóa. Quan hệ anh em, họ hàng có sức mạnh to lớn đến mỗi gia đình. Dòng họ là một cộng đồng văn hóa lớn luôn có sức tỏa sáng đối với nền nếp gia phong của từng gia đình. Có thể nói rằng trong việc xây dựng làng văn hóa nói chung, gia đình văn hóa nói riêng lâu nay, chúng ta chưa chú ý tới vai trò của dòng họ. Nếu biết phát huy thì văn hóa dòng họ sẽ có tác động mạnh mẽ đối với văn hóa từng gia đình.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn tin: Tạp chí Tâm lý học số 2 (tháng 4/2001)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Câu đối trái
Câu đối phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây