Khuyến học - Khuyến tài và hoạt động xã hội của người Họ Đồng Việt Nam

Thứ ba - 12/07/2016 15:11
Khuyến học là khuyến khích việc học, là sự khuyên bảo, hướng dẫn, khích lệ, giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân để người ta hứng khởi nghe theo, làm theo, cùng nhau thúc đẩy học tập và vận động các nguồn lực để tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học và tự học: Học thường xuyên, học suốt đời; học chữ, học nghề, học làm người; học để biết, để làm việc, để làm người, để chung sống và phát triển ở cộng đồng, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Đồng Ngọc Hoa, Hội Sử học tỉnh Nam Định
Đồng Ngọc Hoa, Hội Sử học tỉnh Nam Định

Từ xa xưa ông cha ta đã dạy "Nhân bất học, bất tri lý" (người không học, không hiểu biết) và muốn học phải có thầy "Không thầy đố mày làm nên".Nhận rõ lợi ích và sự cần thiết của việc học để biết làm người, để lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc; từ lâu nhân dân ta đã khuyến khích và có nhiều hình thức giúp đỡ, động viên Con Cháu học hành ' "Học điền" là một hình thức khuyến học đã có từ lâu đời ở nước ta. Mặc dầu ruộng đất là tài sản quý giá và lớn nhất của mình, nhưng nhiều làng xã ở nông thôn đã tự nguyện dành một số ruộng đất làm "học điền" để khuyến khích sự học. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đốc học Nam Định đã nói: “ Đào tạo nhân tài cho đất nước là để đền ơn nước. Không học không mở mang trí tuệ. "Nên thợ, nên thầy nhờ có học. No cơm, ấm áo bởi hay làm". Trong dân gian, dân ta còn dùng những câu ca dao dễ thuộc, dễ nhớ, thấm sâu vào lòng người từ già đến trẻ để khuyến khích sự học, đồng thời cũng là đạo lý về tôn sư trọng đạo: "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu quý thầy". Sau này, Bác Hồ đã nêu một triết lý sâu sắc thông qua một sự việc cụ thể, đơn giản, khó quên: "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

Ngay cả trước lúc đi xa, trong di chúc Người còn dặn dò “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"; "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết".

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ xâm lược, cho tới nay là công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, lúc nào Đảng và Nhà nước ta cũng chú trọng phát triển giáo dục để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII đã xác định: "Phát triển giáo dục và khoa học còng nghệ là quốc sách hàng đầu'. Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định mục tiêu "xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" và "đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức khuyến học".

Nhưng học được cũng phải có ba yếu tố cần: - Bố mẹ có cho con đi học hay không - Con có chịu khó học hay không - Ông thầy dạy có giỏi hay không? 

Ngày xưa thì chỉ nhà giàu mới cho con ăn học được. Cũng có gương sáng là nhiều người bán cả nhà, cả đất để nuôi con ăn học. Có cụ hàng tháng còn đeo gạo lên mãi tỉnh để tiếp tế cho con ăn học. Ngày nay xã nào cũng có trường sở khang trang từ mẫu giáo trở lên, bốn năm xã đã có một trường cấp3 (THPT ), kinh tế khá giả lên nhà nào cũng cho con ăn đi học. Cho nên việc học lại trông vào các cháu có chịu khó mà học hay không. Các cháu lười học, học kém không chỉ có nhà trường, gia đình bảo ban giáo dục mà rất cần đến hội khuyến học động viên giúp đỡ khơi dậy những gương hiếu hoc trong làng xã thôn bản mà gần gũi nhất là các gương hiếu học trong dòng họ, gương hiếu học trong từng gia đình hiếu học của dòng họ. Một buổi phát thưởng để động viên các cháu chăm ngoan học giỏi của dòng họ dù chỉ là quyển sách, cây bút, chắc chắn những ai là cha mẹ sẽ nghĩ gì khi con mình cũng học mà lại không được họ tuyên dương, khen thưởng.

Con gà tức nhau tiếng gáy, cha mẹ phải suy nghĩ, con cháu phải suy nghĩ, nhừng suy nghĩ, những tư duy tiến bộ sẽ thúc đẩy ngay việc học cho con mình, cháu mình. Nên rất cần sự khuyến học trong dòng tộc là vậy. Tư tưởng xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh hoạt động khuyến học thể hiện trình độ tư duy về giáo dục đào tạo ngang tầm thời đại, nêu lên yêu cầu mới đối với sự nghiệp đào tạo con người cho chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới phát triển kinh tế tri thức.

Từ xa xưa tổ tiên ta, người họ Đồng đã coi trọng việc học. mới đầu chỉ là cha dạy con, chú dạy cháu, anh dạy em, nuôi thầy trong nhà để dạy chữ cho con thế mà đời nào cũng có người đỗ đạt cao, đời nào cũng có người vinh quy bái tổ, làm gương sáng cho con cháu đời đời tự hào, đời đời noi theo.

Từ Chí Linh, Hải Dương người họ Đồng đã lan tỏa đi mọi miền đất nước để làm ăn sinh sống và phát triển như:

- Họ Đồng xã Trực Khang, Trực Ninh Nam Định do cụ Đồng Tuấn Hoành ở Chí Linh dẫn con cháu về đây sinh cơ lập nghiệp từ năm 1532 tính đến nay đã là 18 đời với gần 1000 xuất đinh. Có lẽ đây cũng là một trong những dòng tộc có nhiều đinh nhất.

- Họ Đồng ở Cổ Loa, Đông Anh Hà Nội cũng từ Chí Linh Hải Dương lên

- Họ Đồng ở Hải Phòng cũng là từ Chí Linh về ( Trước đây Hải Phòng thuộc Nam Sách).

- Các dòng họ khác (chưa sưu tầm được gia phả) dù trực tiếp hay gián tiếp cũng tách ra từ Chí Linh, Hải Dương.

- Đặc biệt có dòng họ thưộc Tư Mã cho dù sang sau, hoặc sang trước đến thẳng nơi lập nghiệp cũng đã vọng họ với Đồng Chí Linh vì họ đều là anh em cả làm cho họ Đồng ta càng đông đúc...   

Trải qua quá trình nhập quốc, phát triển lâu dài, dòng họ ĐỒNG Việt Nam đã phát triển ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh… đâu đâu cũng có người họ Đồng sinh sống.

Nối tiếp các bậc đại khoa xưa như: Theo sách ‘‘ Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam” thì họ Đồng có người đỗ tiến sĩ như sau:

1. Ông Đồng Thức ở Phù Vệ, Chí Linh, Hải Dương đỗ khoa thi thái học sinh 1393 đời vua Trần Thuận Tông làm quan ngự sử trung tán.

2. Ông Đồng Hãng (1616-1692) ở Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương, đỗ đồng Tiến sĩ năm Kỷ Mùi 1559, thời Mạc Tuyên Tông làm tới chức thượng thư bộ lại.

3. Ông Đồng Đắc ở Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương đỗ Tiến sĩ năm Mậu Thìn 1568, đời vua Lê Anh Tông làm quan công khoa đô cấp sự trung.

4. Ông Đồng Văn Giáo ở Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương đỗ Tiến sĩ năm Đinh Sửu 1577, đời vua Lê Thế Tông làm quan thừa chánh sứ.

5. Ông Đồng Hưng Tạo ở Nhân Tuệ, Chí Linh, Hải Dương đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất 1586 đời vua Lê Thế Tông làm quan hiến sát sứ.

6. Ông Đồng Bỉnh Gio ở Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương đỗ Tiến sĩ năm Tân Mùi 1691, đời vua Lê Huy Tông làm quan tham chính.

7. Ông Đồng Nhân Phái ở Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội đỗ Hoàng giáp năm Mậu Thìn 1628, đời vua Lê Thần Tông làm quan thượng thư.

8. Ông Đồng Tồn Trạch ở Nhân Huệ, Chí Linh, Hải Dương là cháu nội của Đồng Đắc và có bác ruột là ông Đồng Hãng đều có tài văn chương, đỗ Tiến sĩ năm Bính Tuất 1646, đời vua Lê Chân Tông làm quan tham tụng, hộ bộ thượng thư, Nghĩa quận công.

9. Ông Đồng Công Viện ở Hải Lãng, Ý Yên, Nam Định đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thìn 1712, đời vua Lê Dụ Tông làm quan giám sát ngự sử.

10. Ông Đồng Hưu ở Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thìn 1724, đời vua Lê Dụ Tông làm quan tự khanh.

11. Ông Đồng Doãn Giai ở Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên đỗ Tiến sĩ năm Bính Thìn 1736, đời vua Lê Ý Tông làm quan đốc đồng Lạng Sơn.

Đặc biệt là ông Đồng Tồn Trạch làm quan tới chức tham tụng (tể tướng), lịch triều hiến chương loại chí chép rằng: ‘‘ Ông cầm quyền 9 năm nhà không có của để thừa, ai cũng khen là trong sạch”. (Điều này cũng chứng tỏ tổ tiên ta , người họ Đồng ta đã coi trọng sự học lắm thay).

Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, người họ Đồng đã đồng viên hàng nghìn con em mình xếp bút nghiên ra mặt Trận, xông ra nơi đầu sóng ngọn gió mặt đối mặt với quân thù dũng cảm chiến đấu chia lửa với chiến trường, không quản hy sinh khi tổ quốc cần, hàng trăm chiến sĩ người họ Đồng đã ngã xuống , hàng chục bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhưng hàng nghìn Sĩ quan chỉ huy các cấp người họ Đồng từ tướng trở xuống vẫn chiến đấu anh dũng trên các chiến trường, trên mọi mặt trận để cùng quân dân cả nước đem lại hòa bình độc lập thống nhất cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Từ ngày hòa bình lập lại sự học của người họ Đồng không ngừng phát triển. Nhờ có học mà theo thống kê bước đầu đến nay dòng họ Đồng ta trong cả nước đã có các vị cấp tướng như:

1.Trung tướng Đồng Văn Cống, quê ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, kiêm Tư lệnh bộ đội Việt Nam ở khu Đông Bắc Campuchia (C40). Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Sau 1975 là Phó Tư lệnh Quân khu 7. Phó Tổng thanh tra quân đội. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI.

2.Giáo sư,Tiến sĩ, NGUT,Trung tướng, Đồng Minh Tại, quê Nghĩa Hoà, Lạng Giang, Bắc Giang, Nguyên Giám đốc Học viện Hậu Cần- Bộ Quốc phòng

3. Tiến sỹ,Trung tướng, Đồng Đại Lộc, quê Ngư Lộc, Hậu Lộc,Thanh Hóa.Hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an.

4.Giáo sư,Tiến sỹ,Thiếu tướng, Đồng Khắc Hưng, quê Duyên Yết, Phú Xuyên, Hà Nội.Hiện là Phó Giám đốc Học viện Quân Y- Bộ Quốc Phòng.

5.Thiếu tướng, Đồng Văn Sơn, quê ở Diêm Điền,Thái Thụy,Thái Bình. Hiện Cục trưởng cuc kế hoạch đầu tư bộ công an.

Các Tiến sỹ là:

1. Giáo sư,Tiến sỹ khoa học Đồng Sĩ Hiền, quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.Nguyên Tổng thanh tra Bộ Canh Nông, Tổng Giám đốc Nha Lâm Chính, Phó Viện trưởng Viện nghiêncứu Lâm Nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2.Giáo sư,Tiến sỹ Đồng Văn Nhì, quê ở Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyên là Trưởng khoa, trường Đại học Mỏ Địa chất – Hà Nội.

3.Giáo sư,Tiến sỹ Đồng Thị Anh Đào. Hiện là Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

4. Phó Giáo sư,Tiến sỹ, Đại tá Đồng Xuân Thọ, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Hiện đang công tác tại Công an Đồng Nai.

5. Phó Giáo sư,Tiến sỹ Đồng Văn Hệ, quê Kim Thành, Hải Dương. Hiện là Trưởng Khoa thần kinh- Bệnh viện Việt - Đức.

6.Phó Giáo sư,Tiến sỹ Đồng Thị Bích Thủy, Phó hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm Tin học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.Là một trong những nữ tiến sĩ tin học đầu tiên của Việt Nam.

7.Tiến sỹ Đồng Xuân Thành, quê Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định. Tổ trưởng Bộ môn - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

8.Tiến sỹ Đồng Xuân Thụ, quê Cao Xá,Tân Yên, Bắc Giang. Hiện là Tổng biên tập Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam.

9.Tiến sỹ Đồng Tố Thanh, quê Phả Lại,Chí Linh, Hải Dương. Hiện là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng Hải Phòng.

10.Tiến sỹ Đồng Xuân Ninh, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nguyên Trưởng khoa Trường ĐH kinh tế Quốc dân.

11. Tiến sỹ Đồng Văn Hướng, quê ở Trực Khang,Trực Ninh,Nam Định. Hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.Hồ Chí Minh.

12.Tiến sỹ Đồng Huy Giới, quê Thọ Xương,Xã Tượng Văn,Nông Cống,Thanh Hóa. Hiện là Giảng viên trường Học viện Nông nghiệp I Hà Nội.

13. Tiến sỹ Đồng Ngọc Ba, quê ở Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang. Hiện là Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản QPPL - Bộ Tư Pháp.

14.Tiến sỹ Đồng Bá Hướng,quê ở Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động –Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

15. Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc,quê ở Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang. Hiện là Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Cơ Điện Hà Nội - Bộ nông nghiệp và PTNT.

16.Tiến sỹ Đồng Ngọc Toàn,quê quán Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội.Hiện là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

17. Tiến sỹ Đồng Văn Quyền, quê TP. Hải Phòng. Hiện là Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen.

18. Tiến sỹ Đồng Văn Phường, quê Kim Thành,Hải Dương. Hiện là Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên tuyền.

19.Tiến sỹ Đồng Trung Chính, quê Trung Hòa – Yên Mỹ - Hưng Yên. Hiện là Tổ trưởng Bộ môn-Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

20. Tiến sỹ Đồng Hồng Hạnh - quê Cầu Cả, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giảng viên Khoa công trình, Đại học Thủy lợi.

Và hàng trăm thạc sĩ, số tốt nghiệp đại học thì nhiều chưa thống kê được. Riêng dòng họ Đồng ở Trực Khang, Trực Ninh Nam Định vì cụ thủy tổ Đồng Tuấn Hoành về đây làm nghề dạy học nên có hàng trăm người theo nghề cụ làm giáo viên từ đại học cho đến tiểu học. Có hàng chục người làm hiệu tưởng, hiệu phó các trường từ đại học đến tiểu học. Đã có hơn 400 cử nhân, 1 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, là dòng họ đã được huyện ủy HĐND, UBND huyện Trực Ninh tặng bức trướng ghi danh một dòng họ có phong trào khuyến học khuyến tài xuất sắc. Điển hình là gia đình cụ Đồng Thị Tiếp có bốn con trai và một con gái tốt nghiệp đại học cộng với bốn con râu và một con rể cũng tốt nghiệp đại học là tấm gương sáng, dẫn đầu việc học trong họ. Thời kỳ chống mỹ cứu nước, nghe lời mẹ, các con cụ đẫ sếp bút nghiên cầm súng chạy dọc đất nước để chia lửa với chiến trường. Trong công cuộc đổi mới, bốn con trai cụ đều là giám đốc các doanh nghiệp lớn. Các anh cũng không quến sự phù hộ độ trì cho mình của cụ tổ họ Đồng nên các anh cũng không quên tuyển con em người họ Đồng vào xí nghiệp của mình để làm cán bộ quản lý, cán bộ kĩ thuật, kể cả lao động phổ thông để xóa đói giảm nghèo trước hết cho anh em nhà mình, người họ mình, người làng xã mình. Hầu như người họ Đồng ở khắp nơi không còn hộ đói, hộ nghèo. Với hàng chục doanh nhân thành đạt làm ăn có lãi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Người họ Đồng không còn nhà tranh tre, nhà tạm, mái bằng kiên cố thay mái ngói đã có đến 60, 70%. Đời sống người dân họ Đồng cả về tinh thần và vật chất ngày càng không ngừng được nâng cao. 100% các dòng họ Đồng trên khắp các tỉnh thành toàn quốc đã xây được từ đường để thờ liệt tổ liệt tông tri ân công đức tổ tiên.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, người họ Đồng ở đâu cũng gương mẫu đi đầu. người hiến đất, người hiến ruộng, người góp của, người góp công làm đường giao thông để cho thôn xóm khang trang bề thế. Có người hiến hàng trăm, hàng tỷ đồng làm trường học, đại tu từ đường, sửa Đền, sửa chùa làm cho quê hương ngày càng thay da đổi thịt.        

Các dòng họ Đồng đều có Tộc ước dù bằng văn bản hoặc nói miệng với nhau để duy trì nề nêp trong họ như tang ma, gia lễ, tộc lễ…

Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với các mối quan hệ họ hàng, người họ Đồng luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở nội tộc với tinh thần: “ Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “Nó lú nhưng chú nó khôn”, … kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của người Việt.

Với ý thức sâu sắc về nguồn cội đã được kết nối những người họ Đồng cả nước với nhau sẽ trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Nó làm thức dậy lòng kiêu hãnh tự hào, đốt cháy niềm phấn khích đam mê, thêm sức mạnh tinh thần để cháu con nêu cao sự học bứt phá vươn lên trở thành những người tài đức song toàn, nối nghiệp tổ tông, sáng danh dòng tộc, vinh hiển quốc gia. Sản sinh những tài năng, giáo dục nhân phẩm, cổ vũ tinh thần để góp phần phát triển những biệt tài, định hình nhân cách lớn cho nền văn hiến Việt Nam.  

Tác giả bài viết: Đồng Ngọc Hoa, Hội Sử học tỉnh Nam Định

Nguồn tin: hodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Câu đối trái
Câu đối phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây