Lâu nay, nhiều du khách đến khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh ở huyện Chí Linh (Hải Dương) thường chỉ nghĩ đến Côn Sơn, Kiếp Bạc. Rất ít người biết rằng ở Chí Linh còn lưu giữ cả một quần thể di tích nổi tiếng - dấu ấn một thời hào hùng của dân tộc. Đó là đền Cao, đền Sinh, đền Hóa, chùa Thanh Mai, đền Gốm, đình Nhân Huệ, nhà cổ Trạng nguyên, nhà cổ Thượng tể, nhà cổ Tiều ẩn, thành cổ Phao Sơn, vườn cổ Dược Linh, chùa cổ Vân Tiên, tháp cổ Tinh Phi, chùa Sùng Nghiêm, mộ cụ Nguyễn Phi Khanh...
Trong số 16 di tích cổ tại Chí Linh, thì có tới 7 di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Di tích tiêu biểu và trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, trước hết là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Chùa Côn Sơn hiện nay thuộc xã Cộng Hòa, Chí Linh. Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 22 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), nhà sư Huyền Quang mất tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cho 10 lạng vàng xây Đăng Minh bảo tháp đặt xá lị của Huyền Quang vào trong đó để lưu giữ. Từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang trở thành Hội Xuân Côn Sơn. Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán trong những năm cuối đời cũng đã về đây dựng Thanh Hư động để di dưỡng tuổi già.
Sau này, đến thời nhà Lê, sau khi quân và dân Việt Nam đại thắng quân Minh, nhà nước ổn định Nguyễn Trãi đã xin về tĩnh dưỡng ở Côn Sơn. Người thường lên bàn cờ Tiên, Thanh Hư động và ra suối Thạch Bàn thưởng ngoạn đất trời, làm thơ cũng như suy ngẫm việc đời. Sau khi Nguyễn Trãi mất, nhân dân đã tạc tượng thờ người Anh hùng kiệt xuất của dân tộc tại nhà thờ Tổ sau chùa Côn Sơn.
Vì thế, đến Côn Sơn ngày nay, du khách vừa thăm chùa, thăm nơi thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), vừa đến thăm một thắng cảnh, một di tích lịch sử gắn với tên tuổi người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Và trên đường đến với bàn cờ Tiên ở trên đỉnh núi, du khách đều như nghe đâu đây sang sảng lời hịch "Bình Ngô đại cáo". Từ đáy lòng mọi người đều tự hào về đức độ, tài năng của Nguyễn Trãi và đau xót trước nỗi oan nghiệt mà ông gánh chịu.
Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc có công lớn nhất trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13.
Du khách sau khi thăm khu đền và xem các màn biểu diễn của người dân địa phương về chiến công của nhà Trần do Hưng Đạo đại vương chỉ huy, đều hiểu sâu về tài thao lược của Trần Hưng Đạo. Và trầm tĩnh suy tư, mọi người đều bắt gặp tiếng sông reo và nhớ đến câu thơ tràn đầy dũng khí của "quân nhà Nam" - thời Trần; làm cho quân Nguyên Mông (thuở trước) bạt vía kinh hồn mỗi khi nghĩ đến mộng xâm lăng:
Trên sông Bạch Đằng, quân Nam hùng reo
Sóng nước vang đưa mỗi con thuyền, ngàn thông reo...
Rồi du khách lên chùa Thanh Mai xây trên núi Tam Bản, thuộc xã Hoàng Hoa Thám. Đó là nơi trụ trì của Quốc sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm và cũng là nơi sư Huyền Quang tu hành 6 năm liền. Sau khi Pháp Loa mất, Thái thượng hoàng Trần Anh Tông cho xây mộ tháp của nhà sư Pháp Loa ở sau chùa Thanh Mai, đặt xá lị của Pháp Loa vào tháp lưu giữ. Mộ tháp đá đó gọi là Viên Thông bảo tháp. ở chùa Thanh Mai còn bảo tồn một bia đá cổ "Tam Tổ thực lục" ghi khắc công tích của ba vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm - lưu giữ đến hôm nay.
Ngôi đền Gốm, trước đây thuộc xã Nhân Huệ, nay thuộc xã Cổ Thành, huyện Chí Linh. Đền này gắn liền với di tích "Bến cố Nhạn Loan" thờ tướng quân Trần Khánh Dư, một vị tướng tài thời Trần. Ông có công lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Trần Khánh Dư lập nhiều chiến công, được vua phong tước Nhân Huệ Vương và chức Phiêu kỵ đại tướng quân.
Du khách tiếp tục cuộc hành trình đến các đình chùa, nhà thờ liên quan đến các tướng lĩnh, các văn võ bá quan nổi tiếng thời Trần, đã góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước. Đó là đình Nhân Huệ ngày nay. Đình thờ ba vị thành hoàng. Vị thứ nhất là Hùng Duệ, người có công từ thời Hùng Vương dựng nước; vị thứ hai là Cao Sơn, vị thứ ba là Quảng Bác, cả hai đều có công với nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Theo văn bia ở đình còn ghi rõ: Đình Nhân Huệ xưa còn là nơi tụ hội của nhiều tướng giỏi triều Trần đến bàn việc quân cơ và chuẩn bị cho Hội nghị Bình Than. Ngôi đình này có quy mô khá lớn, còn tương đối nguyên vẹn. Về kiến trúc và bài trí của ngôi đình cổ, có thể xem đình Nhân Huệ là di tích lịch sử - văn hóa vào loại quý hiếm của Việt Nam.
Du khách dừng chân chiêm ngưỡng nhà cổ Trạng nguyên (hay Trạng nguyên cổ đường), trước kia thuộc xã Văn Từ của huyện Chí Linh, nay thuộc xã Tổng Xá, huyện Nam Thanh. Đây là nơi dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, thời vua Trần Anh Tông (1292-1314). Mạc Đĩnh Chi là người học rộng tài cao; đặc biệt là tài ngoại giao, đã từng được vua Nguyên (Trung Quốc) phong là "Trạng nguyên lưỡng quốc" - khi ông vâng lệnh Vua nhà Trần đi sứ. Những chuyện về tài ngoại giao của Mạc Đĩnh Chi đến hôm nay vẫn được lưu truyền và hình thành nhiều huyền thoại làm say mê lớp người trẻ tuổi giàu chí tiến thủ.
Nhà cổ Thượng Tể (Thượng Tể cổ trạch), ở thôn Kinh Trung, xã Văn An ngày nay là nơi ở và dạy học của Trần Huệ Vũ Vương, Tể tướng nhà Trần. Nhà cổ Thượng Tể còn có tên gọi đền Quân Phụ. Nhà cổ Tiều ẩn (Tiều ẩn cổ bíc) trên núi Phượng Hoàng cũng thuộc xã Văn An. Đây là nơi Chu Văn An - nhà tư tưởng và học giả xuất sắc thời Trần, sau khi ông dâng sớ xin chém đầu bảy tên gian thần, không được chấp nhận, đã từ quan về đây dạy học và làm thuốc (thời vua Trần Dụ Tông, năm 1319-1349).
Ngoài ra còn di tích khác như: Thành cổ Phao Sơn, trước đây thuộc xã Cổ Thành nay thuộc thị trấn Phả Lại, Chí Linh. Thành được xây dựng năm 1418, mở rộng vào triều Mạc, trên triền núi cao sát bờ sông Thái Bình, ngay cạnh bến phà Phả Lại bây giờ. Đây là vị trí chiến lược thủy, bộ quan trọng để bảo vệ kinh đô Thăng Long ngày trước. Vườn cổ Dược Lĩnh nay thuộc Dược Sơn, xã Hưng Đạo, xưa có nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh cho quân sĩ. Đặc biệt là cây thuốc Dược Lĩnh dùng để trị vết thương, rất mau lành, nay vẫn còn sót lại trên núi. Chùa cổ Vân Tiên ở thôn Kiệt Đặc, xã Văn An. Đó là ngôi chùa cổ, xưa kia Quốc sư Phap Loa trụ trì và giảng đạo. Chùa Vân Tiên chỉ là một trong nhiều chùa mà Pháp Loa xây dựng trong suốt 19 năm tu hành.
Đồng thời tại đây, có nhiều di tích đã được tạo dựng từ trước thời nhà Trần. Chí Linh có rừng núi, sông suối hiểm trở đã trở thành vùng đất linh thiêng để các tướng lĩnh, công thần của đất nước về đây nghỉ ngơi, suy ngẫm về vận mệnh nước Việt, nhất là thời phát triển hưng thịnh (chế độ phong kiến) giai đoạn đó.
Cổ kính nhất là đền Sinh và đền Hóa, thuộc thôn An Mô, xã Lê Lợi ngày nay. Hai ngôi đền này nằm trong một quần thể di tích. Đền Sinh và đền Hóa thờ Chu Phúc Uy, người làng An Mô, một danh tướng văn võ song toàn, có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương, giành độc lập cho nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ VI, dưới triều vua Lý Bí (Lý Nam Đế). Ông được Lý Nam Đế phong là Uy Vũ Đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương. Tương truyền, đền Sinh là nơi Chu Phúc Uy ra đời. Cách đền Sinh 700 m về phía Tây Bắc là đền Hóa - nơi ông qua đời.
Đền Cao, xã An Lạc, nơi thờ 5 anh em họ Vương là Vương Đức Minh, Vương Đức Hồng, Vương Đức Xuân, Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Cả 5 người đều có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống ở thế kỷ thứ 10 dưới triều vua Lê Đại Hành. Kế tiếp trong vùng là tháp cổ Tinh Phi ở thôn Trại Sen xã Văn An, nơi thờ bà Nguyễn Thị Duệ, người từng giả trai đi học, thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc và đã làm quan đến chức Lễ nghi học sĩ. Đây cũng là nơi bà ở, dạy học và làm thuốc chữa bệnh cho dân. Bà là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, từng được Chúa Trịnh phong là "Bà chúa Sao La".
Chùa Sùng Nghiêm (Sùng Nghiêm tự) nằm phía Tây Bắc thôn Bình Dương, nay là thôn Bình Giang, thị trấn Phả Lại. Chùa được xây dựng từ triều Lý đến triều Trần, đã trở thành một trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm đã từng về đây giảng đạo nhiều lần. Đương thời chùa Sùng Nghiêm rất lớn, có tới hơn 100 gian. Các hoàng hậu, cung phi nhà Trần thường về đây ngoạn cảnh và cầu khấn đất trời ủng hộ sự thịnh trị của triều đình. Năm 1947, thực dân Pháp càn quét đốt chùa. Nay chùa chỉ còn dấu vết và một số di vật lưu truyền lại.
Đặc biệt tại đây, du khách được dâng hương mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi, một chí sĩ yêu nước, luôn tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc. Trước lúc xa con cụ đã tâm sự với Nguyễn Trãi những lời bất hủ:
Con yêu quý chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng vỗ cánh trở về Nam.
Con về đi tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Trãi con ơi không bao giờ con chết
Cha đứng đây trông suốt một ngàn thu...
Như sử sách đã ghi lại: Sau khi Nguyễn Phi Khanh bị nhà Minh bắt cùng với quan quân nhà Hồ, Nguyễn Phi Hùng theo hầu cha sang Trung Quốc. Còn Nguyễn Trãi vào Lam Sơn theo nghĩa quân Lê Lợi. Năm 73 tuổi, Nguyễn Phi Khanh mất ở Trung Quốc. Thượng thư Hoàng Phúc của nhà Minh, do cảm cái ân nghĩa của Nguyễn Trãi đã tha tội chết cho mình, cho nên đã giúp cho Phi Hùng mang di cốt của Nguyễn Phi Khanh về nước. Nguyễn Trãi đã theo lời cha dặn táng di cốt của Nguyễn Phi Khanh trên núi Đá Bạc. Câu chuyện về đức hiếu nghĩa ấy sau này đã gây niềm xúc động và kính phục sâu síc trong dân, người ta gọi núi ấy là núi Báo Đức hay Báo Ân. Và quả núi này còn được gọi là núi Bái Vọng. Ngày nay mộ cụ Nguyễn Phi Khanh đặt trên núi Báo Đức, thuộc xã Hoàng Hoa Thám.
Chỉ qua một quần thể di tích Chí Linh, du khách đã được ôn lại cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Khí phách lẫm liệt, tài năng tuyệt vời, nghĩa tình son sắt của các bậc tiền bối khơi dậy trong mỗi du khách lòng tự hào, ý chí quật khởi, để hôm nay mọi người cùng nhau giành tiếp thắng lợi trên con đường đổi mới, làm rạng danh tiên tổ và lưu truyền tiếng thơm cùng hậu thế.