Lịch sử quá trình xây dựng và phát triển thị xã Chí Linh

Thứ ba - 12/07/2016 15:51
Chí Linh xưa là huyện miền núi, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, có vị trí hành chính tiếp giáp với các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn: phía Bắc giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; phía Nam giáp với huyện Nam Sách, Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; phía Đông giáp thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; phía Tây Nam giáp các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và phía Tây giáp huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Lịch sử quá trình xây dựng và phát triển thị xã Chí Linh

Chí Linh là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống, trải qua các thời kỳ lịch sử Chí Linh có nhiều tên gọi và quy mô địa giới hành chính khác nhau. Từ thời Trần về trước, Chí Linh có tên gọi là Bằng Châu, sau đó gọi là Phượng Sơn, từ thế kỷ 15 vùng đất này chính thức có tên gọi là Chí Linh cho đến ngày nay. Trải qua nhiều thời kỳ thay đổi hệ thống hành chính, thời Lý – Trần Chí Linh thuộc lộ Nam Sách; thời thuộc Minh, Chí Linh thuộc phủ Lạng Giang, sau đó thuộc phủ Tân An; thời Lê sơ, Chí Linh thuộc về Đông Đạo; dưới thời Mạc và suốt thời kỳ Trịnh – Nguyễn cho hết triều Tây Sơn, Chí Linh thuộc trấn Hải Dương. 
Tháng 6/1886, thực dân Pháp thành lập Nha Chí Linh thuộc phủ Nam Sách. Tháng 01/1947, Chí Linh được sát nhập về liên tỉnh Quảng – Hồng và đến cuối năm 1948 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng ác liệt, phạm vi chỉ đạo của liên tỉnh Quảng – Hồng khá rộng, phong trào công nhân vùng mỏ có những cách riêng, nên đến ngày 26/12/1948 Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu I quyết định chia liên tỉnh Quảng – Hồng thành tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai và Chí Linh thuộc tỉnh Quảng Yên. 

Sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ngày 22/02/1955 Chí Linh chính thức trở thành một huyện của tỉnh Hải Dương, không hợp nhất và chia tách, ổn định và phát triển cho đến ngày nay. Ngày 12/02/2010, Chính phủ ký Nghị Quyết số 09 về việc thành lập Thị xã Chí Linh và các phường thuộc Thị xã Chí Linh.

Thị xã Chí Linh là Đô thị lớn thứ hai của tỉnh Hải Dương, với 20 đơn vị hành chính gồm 08 phường và 12 xã, diện tích tự nhiên là 28,202km2, dân số 175.000 người. Thị xã Chí Linh nằm giữa trung tâm tam giác kinh tế nối liền với các tỉnh thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và chuỗi đô thị hành lang kinh tế Công nghiệp – dịch vụ, du lịch Bắc Ninh – Chí Linh – Đông Triều – Uông Bí – Hạ Long – Móng Cái thông qua các hệ thống giao thông huyết mạch đi qua đó là Quốc lộ 18, QL37, đường vành đai 5 của thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt Kép – Hạ Long, Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân và tuyến đường thủy liên hoàn hợp lưu của 6 con sông tại Phả Lại còn gọi là Lục Đầu Giang, đó là sông Cầu, sông Đuống, sông Thương, sông Lục Nam, sông Kinh Thày và sông Thái Bình chảy ra cửa biển Hải Phòng.

Chí Linh còn là vùng đất thiêng, vùng đất Địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của những người tài. Trong bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, vùng đất Chí Linh được gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An, Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, Đệ Nhị và Đệ Tam của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả… 

Thị xã Chí Linh có hàng trăm di tích di chỉ được xếp hạng, trong đó có 10 di tích được xếp hạng Quốc gia, khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan, thắp hương chiêm bái. Hiện nay, chùa Côn Sơn và chùa Thanh Mai của Thị xã Chí Linh, chùa Yên Tử - Quảng Ninh và chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang đang được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng ba tỉnh Hải Dương – Quảng Ninh – Bắc Giang chỉ đạo, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO thẩm định công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Trải qua hàng trăm năm ổn định và phát triển, đặc biệt là sau 5 năm Chí Linh lên chính quyền đô thị, bên cạnh những khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh, sự hướng dẫn, phối hợp giúp đỡ của các Sở, ban, ngành tỉnh của các huyện, quận, thị xã, thành phố bạn, của Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, Chính quyền và toàn thể nhân dân, Thị xã đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: 

Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp tiểu, thủ công nghiệp tăng trưởng bình quân 11,3% năm, thương mại dịch vụ tăng trưởng 14% năm, sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng bình quân đạt 8,3% năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt chỉ tiêu trên giao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 43 triệu đồng/người/năm, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đã có 1 xã về đích năm 2014, 02 xã đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận hoàn thành trong năm 2015.

Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được quan tâm, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản 5 năm đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng bình quân 9,6% năm, nhiều công trình, hạ tầng kinh tế, xã hội được hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân.

Công tác quản lý Nhà nước về Tài nguyên khoáng sản được tăng cường, tình trạng khai thác cát, sỏi, đất đồi, đất sét trái phép trên địa bàn cơ bản được ngăn chặn. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho nhân dân cơ bản được hoàn thành. Sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát triển ổn định, vững chắc, quy mô phù hợp, cơ sở vật chất các nhà trường từng bước được cải thiện, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng dần về chất lượng, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều tiến bộ. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân được coi trọng, mạng lưới y tế từ Thị xã đến cơ sở được củng cố, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp.

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao tiếp tục phát triển, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng, các lễ hội được tổ chức đúng quy định, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,5%. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được quan tâm, củng cố, tăng cường. Hằng năm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công nhân nhập ngũ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, tệ nạn xã hội đều giảm. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức được tăng cường; việc quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được triển khai kịp thời, nghiêm túc. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội được đổi mới theo hướng sát dân, sát cử tri, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch.

Với tiềm năng và lợi thế của mình trong chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh còn được xác định là đô thị động lực, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa thương mại, du lịch và công nghiệp của tỉnh, giữ vị trí chiến lược quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. 

Với vị trí và vai trò quan trọng, cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trong thời gian qua, thị xã Chí Linh lên Đô thị loại III là cần thiết và hoàn toàn xứng đáng và sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Thị xã Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương, vùng lân cận nói chung. Đây sẽ là hạt nhân tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa của Thị xã Chí Linh, tạo nên Đô thị lớn hơn với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch và khoa học của khu vực phía Bắc tỉnh Hải Dương, từ đó hình thành và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Hải Dương và vùng thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, cũng như niềm mong mỏi và nguyện vọng của các thế hệ cán bộ Đảng viên và nhân dân Thị xã Chí Linh. 

Từ sự cần thiết, vị trí địa lý và tầm quan trọng của phát triển đô thị Thị xã Chí Linh trong tương lai, căn cứ vào các văn bản của Trung ương và của tỉnh Hải Dương cho phép thị xã Chí Linh lập đề án nâng cấp Thị xã Chí Linh lên Đô thị loại III. 
Sau một thời gian chuẩn bị các hồ sơ, văn bản pháp lý, UBND thị xã Chí Linh đã báo cáo và hoàn thiện đầy đủ, được các cấp, các ngành của tỉnh, các thành viên liên quan của các Bộ, ngành trung ương về Thị xã Chí Linh kiểm tra và thẩm định. Đối chiếu với các tiêu chuẩn phân loại Đô thị theo Nghị định số 42 ngày 07/05/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và Thông tư số 34 ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42 của Chính phủ. Qua xem xét đánh giá 6 tiêu chuẩn và 49 chỉ tiêu của Đô thị Loại III, Thị xã Chí Linh đã hội tụ đầy đủ và đạt được các tiêu chí đối với Đô thị loại III. Niềm vui đến với Đảng bộ và nhân dân Thị xã Chí Linh, ngày 25/6/2015 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 747 về việc công nhận thị xã Chí Linh là Đô thị Loại III.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của tỉnh Hải Dương, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ 22, nhiệm kỳ 2015-2020, để xây dựng thị xã ngày càng lớn mạnh, trở thành Thành phố trước năm 2020, thị xã đã đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: 

* Về mục tiêu:
Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh phát triển thị xã Chí Linh phù hợp với phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại và du lịch, trọng tâm là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và công dân thân thiện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng thị xã Chí Linh trở thành Thành phố trước năm 2020.

* Về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

- Một là, về phát triển kinh tế:

+ Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục quy hoạch phát triển hợp lý các trung tâm thương mại; đa dạng hóa các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ, phương thức kinh doanh; tập trung phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế khu di tích đặc biệt quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ thầy giáo Chu Văn An, sân gôn Ngôi sao Chí Linh cùng các di tích, danh thắng khác trên địa bàn thị xã. 

+ Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung đầu tư hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, trung tâm văn hóa thể thao; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xã được quy hoạch lên phường. Phát triển giao thông phù hợp với quy hoạch đô thị và phát triển du lịch, dịch vụ; phối hợp triển khai nâng cấp các tuyến Quốc lộ 18, 37, đường vành đai 5 của thủ đô Hà Nội, đường sắt Lim - Phả Lại - Cái Lân; hoàn thiện các chỉ tiêu của đô thị loại 3.

+ Tiếp tục phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản, hình thành những trang trại, gia trại chăn nuôi, nâng cao chất lượng thương hiệu Gà đồi Chí Linh. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh chương trình xây dựng Nông thôn mới.

+ Quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

+ Khai thác tốt các nguồn thu, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất đai, đi đôi với chống thất thu ngân sách; nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

-Hai là, về phát triển văn hóa - xã hội:

+ Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Chí Linh thân thiện, trọng tâm là phát triển văn minh đô thị; đẩy mạnh và nâng cáo chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

+ Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

+ Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng đảm bảo cân đối, hợp lý.

+ Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với nhân dân vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn; quan tâm đến người có công, gia đình chính sách; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ bảo hiểm trên địa bàn.

- Thứ ba, về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, các hoạt động khối Nội chính:

+ Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang. 

Tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh; thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; làm tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và chính sách hậu phương quân đội. 

+ Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; coi trọng công tác nắm tình hình, giải quyết dứt điểm những vấn đề tiềm ẩn, phức tạp; chủ động triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và các tệ nạn xã hội; tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.

+ Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; nâng cao năng lực quản lý, điều hành trên các lĩnh vực để hạn chế đơn thư phát sinh; coi trọng và đề cao vai trò của người dân trong phát hiện và đấu tranh với những hành vi vi phạm. 

- Bốn là, về công tác xây dựng hệ thống chính trị:

+ Thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW4 khóa 11; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

+ Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng.

+ Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đủ trình độ, năng lực, đạo đức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Được công nhận là Đô thị Loại III, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Chí Linh tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh phát triển Thị xã Chí Linh phù hợp với định hướng phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại và du lịch, trọng tâm là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và công dân thân thiện, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng Chí Linh trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh theo hướng hiện đại, nhân dân thị xã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguồn tin: nguoichilinh.vn

© Ghi rõ nguồn "Trang thông tin họ Đồng Bá, Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương: http://hodongba.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tin xem nhiều
Fanpage Họ đồng Việt Nam
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay493
  • Tháng hiện tại13,578
  • Tổng lượt truy cập6,994,723
Câu đối trái
Câu đối phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây