Giao thừa có nên đi hái lộc không?

Thứ tư - 13/07/2016 23:10
Người Việt có tục hái lộc từ ngàn xưa, vào thời điểm sau giao thừa, người ta thường đi chùa hái một cành lộc nhỏ với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà

Người Việt có tục hái lộc từ ngàn xưa, vào thời điểm sau giao thừa, người ta thường đi chùa hái một cành lộc nhỏ với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.  Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Ở vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc, xin được ban ơn và cầu phúc cầu tài.

"Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc. Trong "hái lộc đầu xuân", lộc là 1 mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá.  Theo tục người xưa, đầu năm, dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái 1 nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ để hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân có thể gây ra sự phá hoại môi sinh. 

Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, tương lai xán lạn và lâu dài đang chờ ở phía trước. Trong đêm sương lạnh, bạn ngồi cạnh chậu hoa và lắng nghe, bạn sẽ nghe và thấy tiếng chồi non cựa mình vươn ra, góp phần xuân sắc với đời. Cái mong manh của chồi non cần được ấp yêu chăm sóc, cái tương lai của mầm non mang đầy sức sống ấy làm chúng ta nghĩ đến những điều tốt đẹp và muốn hoàn thiện mình. 

Tan hoang vì hái lộc

Tục xưa Tết đến xuân về người dân thường tới chùa, đình, đền phủ, miếu để hái một nhánh lộc non đem về - với quan niệm vào thời khắc giao thừa (hoặc sớm mồng 1 Tết), xin cành lộc nhỏ chốn linh thiêng sẽ được “ban” cho tài lộc, may mắn cả năm. Xưa kia các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ của cây sanh, si, sung, đa... vốn có sức sống mạnh mẽ, nâng niu đem về nhà chứ không cho ai kẻo "mất lộc", rồi treo trước hiên hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, cũng có ý báo là đã có người “rước” phước lộc về cho gia đình. Nhưng nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang một khía cạnh tiêu cực. Nhiều người không coi việc hái lộc chỉ là quy ước lấy lệ khi ngắt một cành lộc nhỏ gọi là lấy may của thời khắc đầu năm mới mà bẻ cả cành to, chặt cả cây mong có lộc nhiều.

Các  nhà nghiên cứu cho rằng, con người hiện nay có những quan niệm sai lầm về hái lộc. Sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Nhiều người mang dao đi “chặt lộc” cho được lộc to, lộc nhiều. Cũng có những trường hợp ra chùa hái lộc, nhưng phải chọn lộc đẹp nên “chịu khó” trèo lên cây cao giữa đêm giao thừa để chọn rồi “bẻ lộc”.  Không chỉ hái lộc cho mình, nhiều người tiện thể có “lộc đẹp” hái luôn cho bạn bè, người thân. Có người “mạnh dạn” lấy xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”.  

Ở nông thôn, nhiều người còn hái lộc ở các ruộng hoa màu, nông sản của bà con nông dân... Sau đền chùa, các địa điểm như ngân hàng, kho bạc Nhà nước... thu hút nhiều người đến hái lộc, vì nghĩ, cây xanh ở các địa điểm này sẽ cho nhiều tiền tài. Đó là lý do cây xanh trước cổng các địa điểm này luôn “trụi thùi lụi” đêm giao thừa.

Hái lộc rước “vong” vào nhà

Tuy nhiên, việc này không nên làm, vì về mặt tâm linh rất dễ rước vong về nhà. Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng, trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối. Tại các chùa, đình, đền, miếu, điện các vong hồn tha phương không nơi nương tựa rất nhiều và khi chúng ta hái lộc ở các nơi đó đưa về nhà đã vô tình đưa các vong hồn đó vào nhà. Vì vậy khuyên con cháu không nên hái cành lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức, tốt nhất người dân không nên bẻ cành, chặt cây ở chốn linh thiêng. Nơi công cộng cũng nên hạn chế bởi bẻ lộc gần như là tàn phá cây cối môi trường mùa xuân, mỗi người bẻ một cành lộc là vườn cây trơ trụi, xơ xác.

Hái lộc sao cho đúng? 

Theo trụ trì chùa La Dương (Hà Đông, Hà Nội), đó là quan niệm sai lầm về hái lộc. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ... đem về nhà trong ngày đầu năm. Hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây.

Có thể mua mía lộc về nhà thay vì hái lộc

Các chùa nước ngoài cũng bị hái lộc đầu năm. Nhưng họ đối phó bằng cách giao thừa phát lộc cho người tới lễ chùa bằng hoa quả. Khách lễ phật xong, hái lộc bằng cách chọn một quả quít, hay táo bày sẵn trong các mâm ở phía ngoài, vừa là lộc cây, vừa là lộc chùa. Việc này đã hạn chế rất nhiều việc vặt chồi non, cây cảnh trong chùa. Ở một số nước phương Tây còn quy định dịp Tết tây người dân phải trả tiền mới được vào rừng chặt cây thông trang trí, số tiền đó được dùng để trồng cây mới thay thế. Tùy ban quản lý mỗi chùa có thể làm được, có thể không.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, các chùa chiền ở nước ta nên có hình thức nào thay thế “hái lộc đầu xuân” để người dân có lộc may mắn mang về sẽ tốt hơn, kể cả hình thức dâng công đức lễ bái xong thì phát lộc. Hành động bẻ một cành lộc xanh tươi không phải là gieo nhân tốt, mà là phá hoại, gieo một nhân xấu. Hãy có những hình thức sáng tạo hơn, thay vì hái lộc hãy gieo lộc bằng cách trồng cây sẽ tốt hơn.

Đại đức Thích Trí Hiến, chùa Hưng Khánh (Bình Định) cũng cho rằng, nét đẹp “hái lộc đầu Xuân” theo các cụ xưa là gặt hái quả phúc, hỷ lạc… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Có như thế “lộc” hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. 

Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện. Hơn nữa, ông bà ta còn có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên đến. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, lộc phải do mình tự kiếm ra bằng sức lao động là chính đáng. Lộc mà lại đi lấy của chung về làm của riêng có thể hiểu là tham ô. Lộc thật về hay không chưa biết, nhưng tham ô đã là có tội. 

Ngoài ra, không thể lấy những hành vi thiếu văn hóa để thực hiện một tập tục văn hóa. Vậy nên, leo trèo lên cây, chặt cành, tàn phá cây cối, làm tổn hại đến môi trường là hành vi thiếu văn hóa. Chính những hành động hái lộc thô lỗ đó đã làm xấu đi nét đẹp tục hái lộc đầu xuân.

Nguồn tin: lichvannien365.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
Fanpage Họ đồng Việt Nam
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay626
  • Tháng hiện tại13,711
  • Tổng lượt truy cập6,994,856
Câu đối trái
Câu đối phải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây